Thái độ của chúng ta về đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Quan điểm, thái độ nhất quán, trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta tại Đại hội XII và nhất là tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta. Đó là thái độ rất kiên quyết, kiên trì, không nhân nhượng; không để cho chúng hoàn hoành, gây tội ác.

Quan điểm này không phải là bây giờ Đảng ta mới bàn. Lần đầu tiên, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta. Trước đó, Đảng ta chỉ đề cập đến những biểu hiện yếu kém, tiêu cực của tổ chức đảng, những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Khẳng định điều này, Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Không ít tổ chức đảng yếu kém, nhất là ở cơ sở, không làm tròn vai trò hạt nhân chính trị và nền tảng của Đảng, không đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, thậm chí có tổ chức cơ sở đảng tê liệt, mất sức chiến đấu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất, năng lực, thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng; một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng, vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là nguy cơ lớn liên quan đến sự sống, còn của chế độ”.

Đến Đại hội XI, Đảng ta nhận thức rõ hơn về bản chất, nguyên nhân, mối quan hệ, tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với sự nghiệp cách mạng, đối với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp”.

Trên cơ sở nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng ta đã khẳng định rõ quan điểm trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta. Trước hết, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo sự đồng thuận xã hội hiện nay.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay được khẳng định trong văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII và nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng là: chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề xã hội có căn nguyên từ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với xã hội; từ những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng và hoạt động quản lý của Nhà nước đối với xã hội; từ những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; các tiêu cực và tệ nạn xã hội nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; sự tác động từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình”; sự tác động từ lối sống phương Tây trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực, những diễn biến phức tạp trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội”.

Tại Đại hội XII, đánh giá về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2011 – 2015) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta chỉ rõ: Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, Đảng ta xác định: Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

Quan điểm Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng ta là phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong xã hội. Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, với phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, các biện pháp về kinh tế, hành chính, với duy trì nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể nhân dân.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần được các tổ chức, các lực lượng, ở các cấp, các ngành quán triệt cụ thể hóa và tổ chức thực hiện trong thực tế gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn, góp phần phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Thái độ của chúng ta về đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

  • 26 Tháng Chín, 2018 at 8:32 sáng
    Permalink

    Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác đặt mình vào trong tổ chức, chịu sự quản lý của tổ chức, chấp hành các chế độ, quy định trong sinh hoạt đảng. Khắc phục các hiện tượng ngại sinh hoạt, bỏ sinh hoạt dưới bất kỳ hình thức nào hoặc coi sinh hoạt chỉ là hình thức. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải tự giác, tích cực rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, phong cách lãnh đạo; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, cấp trên, cấp dưới về bản thân mình. Tích cực học tập để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng chính là con đường chắc chắn nhất để mỗi cán bộ, đảng viên chiến thắng sự suy thoái và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tình hình hiện nay.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.