An ninh nông thôn cần phải được quan tâm
Vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thời gian qua đã được giải quyết khi chính quyền và người dân tìm được tiếng nói chung. Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân đã được chính quyền cam kết thực hiện. Người dân cũng đã nhận thức được hành vi, việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, cam kết sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại xã Đồng Tâm thời gian qua đã để lại nhiều điều cần phải giải quyết, nhất là trong vấn đề đảm bảo an ninh ở nông thôn.
1. Khu vực nông thôn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn luôn là vấn đề chiến lược trong đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta. Với nền tảng là một quốc gia nông nghiệp, khu vực nông thôn chiếm phần lớn diện tích ở nước ta. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Mặc dù hiện nay, quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng nông thôn vẫn giữ vai trò quan trọng trong cả nước. Theo số liệu thống kê năm 2016, cả nước có 60,64 triệu người sống ở nông thôn, chiếm 65,4% dân số cả nước. Nông thôn là nơi tập trung nguồn lao động lớn, là thị trường tiêu thụ rộng lớn, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Địa bàn nông thôn nước ta có 54 dân tộc khác nhau, bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, mỗi biến động tích cực hay tiêu cực đều có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị; xã hội, an ninh quốc phòng. Sự ổn định tình hình nông thôn sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo tình hình ổn định của đất nước.
2. Tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, tình hình an ninh, trật tự tại các vùng nông thôn Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài ở nhiều vùng nông thôn, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với một bộ phận cán bộ chính quyền. Cán bộ chính quyền cơ sở ở các vùng nông thôn vi phạm các quyền tự do dân chủ, làm sai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có xu hướng gia tăng, khiến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền giảm sút. Cùng với đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở các vùng nông thôn cũng đang diễn biến phức tạp. Điều này đã và đang khiến tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ khó lường. Trong xã hội có giai cấp, thì những mâu thuẫn về lợi ích trong xã hội còn tại là một tất yếu. Đặc biệt, là ở nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, thì nông thôn Việt Nam tồn tại các mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, đây cũng chính là mầm mống đe dọa đến an ninh nông thôn hiện nay. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, nhất là tranh chấp, khiếu kiện về đất đai nếu không được giải quyết kịp thời ở các vùng nông thôn sẽ là nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn, xung đột khó lường. Trong thực tiễn chúng ta đã từng có nhiều nơi quần chúng “rào làng, lập ấp” chỉ vì không đồng tình với cách xử lý, giải quyết của chính quyền. “Rào làng kháng cự” vì mâu thuẫn của họ bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Đó là sự kiện xảy ra ở Thái Bình và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ năm 1997. Đó những bài học đã xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng; Văn Giang, Hưng Yên; Cẩm Giàng, Hải Dương… và gần đây là Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Mỗi khi mâu thuẫn ở các vùng nông thôn không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, dẫn đến mâu thuẫn dồn nén, khi có thời cơ là sẽ bùng phát, thậm chí có nguy cơ trở thành bạo lực, xung đột. Là điều kiện để kẻ xấu triệt để lợi dụng nhằm kích động người dân, chống phá Nhà nước. Nó sẽ làm cho tình hình an ninh nông thôn trở nên phức tạp hơn. Sự việc ở Đồng Tâm gần đây là một minh chứng cho điều đó.
3. An ninh nông thôn cần phải được quan tâm trong thời gian tới. An ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, và của cả các cấp, các ngành. Để an ninh nông thôn được giữ vững, chúng ta phải phát huy mối liên hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân, tạo ra lòng tin của nhân dân vào với chính quyền.
Từ những sự việc nêu trên, một vấn đề cần phải được thực hiện đó là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mọi quyết định của chính quyền phải xuất từ lợi ích của người dân, được nhân dân ủng hộ, đồng thuận. Cần phải hạn chế đến mức thấp nhất những sơ hở, sai sót của cán bộ chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, vi phạm các quyền dân chủ của công dân. Mọi mâu thuẫn, khúc mắc của chính quyền, của người dân, đặc biệt là trong vấn đề quản lý và sử dụng đất đai phải được giải quyết kịp thời, triệt để, không được để âm ỉ, kéo dài, khiến mâu thuẫn được đẩy lên cao nguy cơ trở thành xung đột. Có như vậy, tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn mới được giữ vững./.
Một bài viết rất thời sự và mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc cho vấn đề an ninh ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Thực chất của vấn đề là giải quyết hài hòa lợi ích của nhân dân với cơ quan công quyền, giữa người dân với cán bộ địa phương và giữa người dân với nhau. Đặc biệt là vấn đề lợi ích cốt lõi – ruộng đất của dân cày… Do đó, cần lấy dân làm gốc, mọi lợi ích phải vì nhân dân. Dù ở nơi này, nơi khác trong nông thôn còn xảy ra mất an ninh, song chúng ta tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề lợi ích của nhân đân vì ngoài lợi ích của nhân dân ra, Đảng ta không có một lợi ích nào khác (lợi ích của dân là lợi ích của Đảng)!.
Để giữ vững tiêu chí về ANTT vấn đề đặt ra là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ cơ sở trong việc chủ động triển khai các nội dung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mọi quyết định của chính quyền phải xuất từ lợi ích của người dân, phải được nhân dân ủng hộ, đồng thuận. Cần phải hạn chế đến mức thấp nhất những sơ hở, sai sót của cán bộ chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, vi phạm các quyền dân chủ của công dân. Mọi mâu thuẫn, khúc mắc của chính quyền, của người dân, đặc biệt là trong vấn đề quản lý và sử dụng đất đai phải được giải quyết kịp thời, triệt để, không được để âm ỉ, kéo dài, khiến mâu thuẫn được đẩy lên cao nguy cơ trở thành xung đột. Có như vậy, tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn mới được giữ vững.
An ninh nông thôn là một phần đặc biệt quan trọng, có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia. Vì vậy, phải luôn coi an ninh nông thôn là vấn đề cấp thiết, để có sự quan tâm đúng mực của cả hệ thống chính trị.
An ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, và của cả các cấp, các ngành. Chính vì vậy, lo kế sách lâu dài cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phải là những việc cần làm ngay!