CÁI NHÌN THIỂN CẬN CỦA GRACE BÙI
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết: “Những người phụ nữ Việt Nam không chấp nhận im lặng” của Grace Bùi. Bài viết đã đưa ra nhiều nhận định sai trái về tình hình nhân quyền và những thành tựu trong bình đẳng giới ở Việt Nam. Nhân đây cũng gửi đến Grace Bùi đôi điều để y cùng những tổ chức, cá nhân đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” đừng tiếp tục dùng ngòi bút để đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận về tình hình bảo đảm quyền con người ở nước Việt Nam, để người đời oán trách.
Thứ nhất, ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Và trên thực tế, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển trong cuộc sống. Nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và bảo đảm tốt hơn quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sau 35 năm đổi mới, đến năm 2020 nền kinh tế đất nước đạt 343 tỷ đô la, đưa Việt Nam nằm trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Nhà nước chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Điều đó được thể hiện ở Chỉ số phát triển con người (HDI). Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9-12-2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, điều này giúp Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020). Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội, được Liên hợp quốc và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau ca ngợi, đánh giá rất cao. Ngay cả D.Hutt – cây bút vốn thiếu thiện chí với Việt Nam, cũng phải thừa nhận trên BBC News Tiếng Việt ngày 06/5/2020 rằng: “Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm, đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu… Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 gần giống như những cái mà chính trị thật sự nên làm. Chính phủ và đảng cầm quyền, cũng như các đại biểu nhân dân làm mọi điều có thể để bảo vệ công dân của mình. Và người dân, với một chính phủ được tin tưởng, có thể cảm thấy chính họ đang được bảo vệ”.
Thứ hai, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm.
Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013), được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ hiện đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng; Thứ trưởng. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết tốt các vấn đề quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sĩ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sĩ là nữ giới. Tựu chung lại, khoảng cách giới trong cả 08 lĩnh vực của đời sống chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội được quy định tại Luật bình đẳng giới năm 2006 của Việt Nam đã được rút ngắn đáng kể.
Những luận điệu mà Grace Bùi đưa ra là hoàn toàn sai trái, thể hiện rõ mưu đồ hòng phủ nhận những thành tựu mà đất nước và nhân dân ta đạt được, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, sâu xa hơn nhằm kích động các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị và những đối tượng tự xưng danh “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền” chống phá cách mạng Việt Nam thêm quyết liệt. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với những luận điệu này./.