CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Như đã thành lệ, cứ mỗi dịp Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc, thì trước, trong và sau Đại hội các thế lực thù địch lại đẩy mạnh chống phá trên mặt trận tư tưởng, chính trị. Không nằm ngoài quy luật đó, trong quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá đường lối của Đảng, trong đó chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề mà chúng tập trung chống phá. Thực hiện âm mưu này, trên một số trang mạng xã hội phản động xuất hiện một số bài viết phủ nhận, xuyên tạc nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điển hình là, trong tháng 10/2019, trên trang “baotiengdan.com”, Dương Quốc Chính có bài viết với tiêu đề “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường nào cho Việt Nam?”. Những luận điệu của Dương Quốc Chính nhằm phủ nhận, xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái.
1. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế.
Kinh tế thị trường xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, song dưới chủ nghĩa tư bản khi sức lao động trở thành hàng hóa thì nó phát triển rất mạnh mẽ xuyên qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển khi sự phân công lao động xã hội và sự độc lập về mặt kinh tế giữa những chủ thể sản xuất kinh doanh vẫn còn. Và, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu hỗn hợp khác); trong hình thức sở hữu nhà nước cũng có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc Nhà nước) và quyền sử dụng tư liệu sản xuất (thuộc tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng).
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên nền kinh tế thị trường chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục đổi mới, tinh gọn tổ chức hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế thị trường
Trong bài viết của mình, Dương Quốc Chính xuyên tạc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn thu hẹp bộ máy quản lý. Lý do mà y đưa ra là: Bộ máy quản lý nhà nước, các đoàn thể xã hội càng đông thì càng có nhiều người bảo vệ chế độ. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái.
Để phát huy những mặt tác động tích cực, hạn chế mặt tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường không đồng nhất với việc mở rộng bộ máy quản lý nhà nước. Thực tế là, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết xác định mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW nhiều địa phương đã có giải pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn, bước đầu góp phần mang lại kết quả, tạo chuyển biến tích cực.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo, được kiểm nghiệm qua thực tế trong hơn 30 năm đổi mới. Những luận điệu phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sai trái, không có cơ sở khoa học, không đúng với thực tiễn Việt Nam. Chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết bác bỏ với những luận điệu sai trái này./.
chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn
Pingback:CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM |