Không thể phủ nhận công cuộc phòng, chống tham nhũng

Trên trang mạng xã hội vừa xuất hiện một bài viết của VietTuSaiGon, với tiêu đề: “Lời phát biểu ngầm chứa văn hóa tham nhũng”. Bài viết đã cố tình lợi dụng và xuyên tạc bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng, Cần Thơ ngày 23 tháng 6 năm 2020 khi nói về vụ việc tham nhũng trong nhập khẩu thiết bị y tế để phòng chống dịch Covid – 19 vừa qua.

VietTuSaiGon đã tìm cách lèo lái, suy diễn rằng: “Công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam thực chất không có mục đích cải cách thể chế để tạo nên một bộ máy Nhà nước chống tham nhũng hiệu quả mà chỉ để khuyếch trương hình ảnh cá nhân, lấy lòng tin của nhân dân; chỉ đưa ra ánh sáng những vụ việc không thể che đậy được”. Từ đó, tự quy chụp và phủ nhận hoàn toàn thành quả công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng, tất cả những lời lẽ xuyên tạc, tráo trở đó của VietTuSaiGon sẽ không bao giờ đánh lừa được dư luận và nhân dân Việt Nam. Bởi, thực tiễn công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua là bằng chứng xác thực nhất để bác bỏ lại những lời lẽ tráo trở, xuyên tạc đó của VietTuSaiGon.

Trong những năm qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại nhiều dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với phương châm như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, công tác phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm minh, có lý, có tình, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 Chỉ thị, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Qua đó, từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Hàng loạt vụ án, đại án tham nhũng đã được xử lý, điển hình như các vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land…. Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” và nhiều vụ việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng hàng nghìn đảng viên vi phạm, có cả cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật; trong đó có cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo.

Tóm lại, những kết quả đạt được của công cuộc phòng, chống tham nhũng trên đây là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ hoàn toàn những lời lẽ xuyên tạc trong bài viết của VietTuSaiGon. Vì vậy, không ai có thể phủ nhận được những thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Không thể phủ nhận công cuộc phòng, chống tham nhũng

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.