Không thể xuyên tạc quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” của Đảng

Lợi dụng việc Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên các trang mạng xã hội, với nhiều bài viết xuyên tạc sai sự thật quan điểm của Đảng về vấn đề đất đai. Mới đây, Phạm Quý Thọ đã đăng tải bài viết “Sửa Luật Đất đai: Thị trường tiến, Đảng Cộng sản lùi” trên Boxitvn.com, với những luận điệu xuyên tạc quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” của Đảng.

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra nhiều quan điểm mới, tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý… Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật”. Đây là những quan điểm thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, những kẻ thiếu thiện chí, luôn mưu toan chống phá Đảng, Nhà nước ta như Phạm Quý Thọ lại phán xét vô căn cứ rằng, Hội nghị Trung ương 5 không đạt được tiến bộ nào vì “vẫn duy trì” “sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý” thì “Đảng Cộng sản lùi” trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai. Đây là những luận điệu xuyên tạc, hoàn toàn sai trái.

Thứ nhất, cần khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự lựa chọn tất yếu và khánh quan ở Việt Nam. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá đối với mỗi quốc gia. Tài nguyên đất đai mà Việt Nam có được như ngày nay gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Trong quá trình đó, các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau khai phá, tu bổ đất đai với bao mồ hôi, công sức và xương máu. Đất đai là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là bất khả xâm phạm. Bên cạnh đó, quan hệ về đất đai của Việt Nam cũng có đặc điểm riêng ở từng vùng, miền; đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, các quan hệ về đất đai có sự xáo trộn, biến động phức tạp. Hơn nữa, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam do nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Vì vậy, việc tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân là sự lựa chọn tất yếu và khánh quan, chứ không phải ý muốn chủ quan, “bảo thủ” của Đảng như Phạm Quý Thọ đã rêu rao.

Thứ hai, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Theo đó, nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai – tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia. Đất đai là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lâu dài qua hàng nghìn năm của cả dân tộc, chứ không phải là của một số cá nhân mà có quyền độc chiếm sở hữu. Vì vậy, Đảng ta luôn khẳng định, mục đích sở hữu toàn dân về đất đai là tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Trong các bản Hiến pháp, nhất là từ Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đều quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Những quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về đất đai đã khẳng định mục đích cao cả, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, chứ không phải đang “lùi” như Phạm Quý Thọ đã xuyên tạc.

Thứ ba, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của những hạn chế, yếu kém, bất cập về đất đai ở Việt Nam như Phạm Quý Thọ đã đơm đặt. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Song, những hạn chế, yếu kém, bất cập đó, không phải bắt nguồn từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà nó có nguyên nhân từ việc hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai còn những hạn chế, yếu kém. Vì vậy, trong các nghị quyết, các lần sửa đổi Luật Đất đai trước đó, cũng như hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém về quản lý, sử dụng đất đai; sửa đổi, bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, dù Phạm Quý Thọ và các thế lực thù địch có cố tình xuyên tạc, phủ nhận như thế nào chăng nữa thì nhân dân Việt Nam vẫn luôn tin tưởng vào quan điểm của Đảng, sự đổi mới về thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất của Nhà nước, đoàn kết một lòng phấn đấu xây dựng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.