LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA CỦA PHẠM TRẦN

Thời gian gần đây, trên “doithoaionline. com” tán phát bài viết Chống đâu xiêu đó của Phạm Trần, với nội dung xuyên tạc cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Song thực tiễn đã bác bỏ sự xuyên tạc đó, bởi vì:

1. Tham nhũng là vấn nạn chung của các quốc gia

Với âm mưu lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước ta Phạm Trần đã lớn tiếng quy chụp: Quốc nạn tham nhũng là của riêng chế độ này mà thôi.. và đây là chuyện riêng của Đảng. Những luận điệu quy chụp này là vô cùng phi lý, phản khoa học. Phạm Trần không che dấu mưu đồ lợi dụng cuộc chiến phòng, chống tham nhũng để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn. Nguy hại hơn, những luận điệu này còn tạo “hiệu ứng” hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự thành công của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam.

Hiện nay, tham nhũng đang thực sự là vấn nạn, là hiểm họa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị. Do sự khác nhau về truyền thống, lịch sử, văn hóa, chế độ chính trị, điều kiện kinh tế – xã hội… nên ở các quốc gia khác nhau, tham nhũng cũng được giải thích theo các cách khác nhau. Để tạo tiếng nói chung và gắn kết các quốc gia trong việc phòng, chống vấn nạn tham nhũng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra định nghĩa tham nhũng là: “lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô”. Như vậy, bản chất tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực nhà nước, là vấn đề tất yếu mà các quốc gia phải đương đầu nếu muốn xây dựng một nền hành chính trong sạch, một bộ máy quản lý nhà nước vững mạnh. Không phải cứ đa nguyên, đa đảng và đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là không có tham nhũng. Bởi thực tế đã cho thấy, ngay các cường quốc thế giới như Mỹ, các quốc gia EU, Nhật Bản… cũng đang phải đối diện với vấn nạn này. Mỹ đã công bố những thành phố đứng đầu về số tội phạm tham nhũng, bao gồm: Chicago, Los Angeles, Manhattan, Miami và Washington D.C. Trong đó, có những “đại án” tham nhũng gây chấn động thế giới, khiến cho một số cựu thống đốc bang, bộ trưởng phải ngồi tù. Tham nhũng đang có xu hướng diễn biến phức tạp ở những quốc gia kém phát triển ở châu Phi, Mỹ la tinh, Trung Á… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, kìm hãm sự phát triển của các quốc gia. Việc phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia đang gặp bế tắc, trở ngại lớn bởi những nhóm lợi ích và sự không kiên quyết của chính quyền các cấp. Thực tiễn đó đã phủ nhận hoàn toàn những luận điệu xảo trá, vạch trần bộ mặt chống đối, phản động của Phạm Trần, khi muốn quy chụp vấn nạn tham nhũng với chế độ một Đảng lãnh đạo ở Việt Nam.

2. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Ở Việt Nam, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã coi tham ô, lãng phí, và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”. Trải qua các giai đoạn cách mạng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhân. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử công khai, nhiều cán bộ có chức vụ vi phạm đã bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật, được thông báo rộng rãi trong toàn xã hội. Với những chủ trương, giải pháp kiên quyết, kiên trì của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội tham nhũng đã từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những kết quả thực tế đó đã phủ nhận những luận điệu chống phá của Phạm Trần khi cho rằng Đảng, Nhà nước không chống nổi tham nhũng, dung dưỡng cho tham nhũng. Đứng trước sự thật khách quan, mọi sự xuyên tạc, chống phá của Phạm Trần và các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi quyết  tâm chính trị lớn và sự đồng thuận xã hội cao. Đây là cuộc chiến tất yếu nhằm xây dựng xã hội Việt Nam giàu đẹp, văn minh. Những kẻ luôn mang tư tưởng chống đối, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc vì lợi ích cá nhân hẹp hòi như Phạm Trần không có tư cách để phán xét./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.