Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước vô cùng hài lòng về câu chuyện xét xử mấy đại án tham nhũng gần đây. Rõ ràng, suy cho đến cùng, để xảy ra các đại án lớn về tham nhũng và cả các vụ án tham nhũng vặt, trước hết và quan trọng nhất có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ quan. Ở đâu và nơi nào, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lối sống trong sáng, thật sự là tấm gương về đạo đức, lối sống, hết lòng vì dân vì nước thì chắc chắn rằng ở cơ quan ấy, đơn vị ấy không có tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tôi tin là như vậy Thực tế đã và đang chứng minh điều đúng đắn này.

Suy ngẫm về các đợt xét xử mấy đại án lớn cho thấy, phần lớn các vụ tham nhũng đều gắn liền với những người có chức, có quyền, có vị thế trong bộ máy công quyền. Ở nước ta hiện nay, những người đó đa số là cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Để làm được điều đó, các cấp uỷ cần quán triệt sâu sắc các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã xác định, trong đó cần tập trung vào nhóm giải pháp tổ chức, cán bộ. Bởi lẽ, trong đó bao hàm nhiều nội dung rất thiết thực gắn với công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác cán bộ, từ quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan; việc bố trí người đứng đầu phải thật công tâm, theo yêu cầu công việc, đúng sở trường, năng lực chuyên môn.

Cần phải đổi mới quy trình phát hiện, đề bạt cán bộ, nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ trước khi đề bạt, bổ nhiệm; thực hiện đúng quy định kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, bảo đảm sự minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quán lý.

Cấp ủy và người đứng đầu chính quyền các cấp, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Xây dựng quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định về những điều đảng viên không được làm. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân và các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực tế, các vụ tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian vừa qua cơ bản được phát hiện qua sự phản ánh, tố giác, tố cáo của nhân dân, qua các cơ quan báo chí, qua công tác thanh tra, kiểm tra… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, làm việc gì cũng phải có quần chúng nhân dân tham gia. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nếu không dựa vào sự phát hiện của nhân dân thì khó có thể “vạch mặt, chỉ tên” chính xác và kịp thời những “tham quan ô lại” mới. Sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân chính là sức mạnh, là nhân tố quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Để khơi dậy và phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người dân trong việc tố giác các hành vi tham nhũng; phải nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động quy chế dân chủ ở cơ sở, để nhân dân tham gia kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đội ngũ, cán bộ nói riêng.

Để các cơ quan báo chí phát huy được vai trò tích cực, trở thành vũ khí mạnh mẽ và có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng, đồng thời hỗ trợ cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện được chức năng của mình theo đúng Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Nhận thức rõ tác hại to lớn của tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết với các chủ trương, biện pháp quyết liệt triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng được tiến hành tích cực và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cũng như các chủ trương, giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Với quyết tâm chính trị và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng loại trừ tệ nạn này khỏi đời sống xã hội, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.