Phản bác luận điệu xuyên tạc trên của Đài Á Châu tự do

Trong khi cộng đồng quốc tế và người dân trong và ngoài nước vui mừng, ủng hộ việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền thì thì một số đối tượng phản động, thù địch lại lợi dụng sự kiện này để ra sức xuyên tạc, phản đối. Mới đây, facebook Đài Á Châu tự do đã phát tán bài viết “Chính phủ Việt Nam cần nhận thức đúng về quyền con người khi chính thức là thành viên HĐNQ”. Với những luận điệu cũ và chiêu trò không mấy mới mẻ, nội dung bài viết là sự xuyên tạc, bóp méo, đưa tin sai sự thật nhằm phủ nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người suốt thời gian qua hòng hạ thấp vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên:

1. Sự thật không như họ nói

Rõ ràng, âm mưu chống phá Việt Nam của tổ chức trên là hết sức thâm độc, lộ rõ bản chất “ăn không nói có”, khi cho rằng Việt Nam có “hồ sơ nhân quyền tồi tệ” do “nhận thức về nhân quyền của Việt Nam cách biệt so với thế giới”. Tuy nhiên, chính lịch sử hàng trăm năm đấu tranh cho sự tiến bộ của loài người, vì quyền con người, các quốc gia trong mái nhà chung Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thống nhất một quan điểm: “Áp đặt tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền cho một quốc gia là vô lý”. Các nước trên thế giới ở những trình độ phát triển khác nhau, thể chế chính trị khác nhau nên không thể lấy giá trị, tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác.

Đối với Việt Nam, mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, việc bảo vệ và thực thi quyền con người luôn được lồng ghép, cụ thể hoá trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước. Không phải cho đến bây giờ, mà từ lâu, rất nhiều chính trị gia và học giả quốc tế đã thừa nhận Việt Nam là tấm gương thành công về phát triển kinh tế – xã hội, quyền con người. Từ nhiều năm nay, LHQ luôn lấy Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng qua các năm và hiện đã lọt vào nhóm phát triển con người cao, là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Về quyền tự do internet, ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng top đầu thế giới. Đặc biệt là những thành tựu của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm quyền sống là quyền cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người ở nước ta. Đó là bức tranh sống động, khách quan, được khẳng định từ thực tiễn và chính người dân Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị bảo đảm quyền con người này. Bên cạnh đó, là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới.

Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ông Jean-Pierre Archambault, Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”. Do đó, Việt Nam là đại diện xứng đáng tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lời khẳng định đanh thép, đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá trên các diễn đàn của Đài Á Châu tự do nhằm phủ nhận thành quả của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người.

2. Việt Nam sẽ có đóng góp tích cực với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Có thể nhận thấy, đằng sau những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam là âm mưu hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với vai trò là thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, Việt Nam ngày càng củng cố thêm uy tín và vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo trong tư duy chiến lược cũng như tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây. Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết; đối thoại và hợp tác; tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về bảo đảm quyền con người, có nhiều đóng góp tích cực để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ, thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư…

Như vậy, bất chấp những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, chụp mũ của các thế lực thù địch và phản động, cộng đồng quốc tế đã và đang có những đánh giá cao về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cũng như những đóng góp của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Vì thế, những kẻ chống phá Việt Nam hãy đừng giả câm, giả điếc và ngưng trò bịt tai, che mắt trước thực tế về nhân quyền ở Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.