THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG DỊCH COVID-19 CHỐNG PHÁ NHÀ NƯỚC CỦA NGUYÊN ANH
Trước kết quả trong phòng, chống dịch COVID-19, ngày 28/01/2021 Viện nghiên cứu Lowy của Australia đã xếp Việt Nam cùng với New Zealand là 2 nước xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới. Vậy mà, trên Quyenduocbiet, Nguyên Anh đã tải bài viết với những lời lẽ bóp méo, xuyên tạc khi cho rằng: “trước tình hình diễn biến nghiêm trọng, chính quyền chỉ biết cách ly những khu vực có người nhiễm… và xem họ như một loại tội phạm, người dân thất nghiệp không có nguồn tiền sinh sống, nhưng không được chia sẻ, cứu trợ”.
Để vạch trần bộ mặt thật của Nguyên Anh, chúng ta cùng nhìn nhận, so sánh về cách phòng, chống dịch COVID-19 và thiệt hại ở một số quốc gia. Đến đầu tháng 6-2021, Mỹ có hơn 34 triệu người mắc, hơn 580 nghìn người chết, kinh tế năm 2020 âm 3,5%; Ấn Độ có hơn 28 triệu người mắc, gần 332 nghìn người tử vong, trở thành nơi có dịch lớn nhất thế giới. Nguyên nhân là họ đã không thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang, giảm hoạt động đông người, truy vết, cách ly người nhiễm. Còn ở Việt Nam, ngay sát Trung Quốc, nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, nhưng đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Mặc dù đang bùng phát đợt dịch thứ tư nhưng tổng số ca nhiễm đến nay là hơn 17 nghìn ca, tử vong 81 người. Đó là kết quả của sự vào cuộc có trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, việc phân loại, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm và tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm để khoanh vùng dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tại các địa phương phải cách ly, mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra, phù hợp và tuân thủ phòng, chống dịch theo đúng thông điệp 5K; trong các cơ sở cách ly tập trung trên cả nước đã tiếp nhận hàng vạn lượt người, đa số người dân đều có nhận xét là được bảo đảm mọi nhu cầu sinh hoạt, tổ chức tiếp đón, bố trí nơi ăn, ở chu đáo, không gian sạch sẽ, thoáng mát, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, được kiểm tra sức khỏe hàng ngày; thường xuyên được thăm, hỏi, không cảm thấy bị cô lập hay “cách ly”.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, cung ứng vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để nhanh chóng có vaccine phòng chống dịch bệnh chủ động cho Việt Nam. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine trong nước chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng vaccine “made in Việt Nam”, ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, cuối 2021 đến đầu 2022 sẽ chủ động vaccine trong nước. Tới nay, Việt Nam đã có nguồn cung cấp khoảng 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định, có tính chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19. Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân. Hiện nay, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.