VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC NỀN GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM
Mới đây, trên trang mạng xã hội Facebook có xuất hiện cái gọi là “có một thứ văn hóa đang hủy hoại người Việt…”, của Nhóm chúng tôi ghét lừa dối. Đọc nội dung trong đó, cho thấy, Nhóm này quá ấu trĩ, vì đã lấy một vài hiện tượng sai phạm trong giáo dục để đánh giá, nhận định về nền giáo dục nước nhà. Ai cũng có thể nhận ra rằng, đằng sau những nhận định, đánh giá đó, đã ngấm ngầm lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin nghi ngờ, thậm chí không tin tưởng vào Đường lối, chính sách giáo dục hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Việc “vơ đũa cả nắm” đó là hồ đồ, thiếu khách quan.
Trước hết, về chủ trương, đường lối của Đảng. Ngay từ ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, về kết quả giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.
Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo hàng năm đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá là nước có những thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương. Đã hoàn thành mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000, nước ta đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010). Nhu cầu học tập của nhân dân được đáp ứng ngày càng tốt hơn; giáo dục nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong các mục tiêu chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chính sách xã hội về giáo dục đã được thực hiện tốt hơn và ngày càng có hiệu quả hơn; chất lượng giáo dục, đào tạo đã có chuyển biến tích cực; điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục, đào tạo ngày được tăng cường.
Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp học ở mọi vùng, miền với nhiều loại hình trường lớp với số lượng học sinh đến trường ở các cấp ngày một tăng. Giáo dục đại học, cao đẳng ngày càng được mở rộng về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất được nâng cấp, chương trình đào tạo dần dần được đổi mới theo hướng hiện đại. Nền giáo dục đại học Việt Nam một mặt đã đáp ứng xu hướng thế giới là tiến tới phổ cập giáo dục đại học, mặt khác vẫn giữ nền tảng giáo dục tinh hoa.
Nhà nước ta đã thực hiện xã hội hóa để huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế cho giáo dục và đào tạo. Các dự án ODA trong giáo dục đào tạo cũng đã dành phần lớn cho giáo dục cơ bản và đang được triển khai với tổng vốn vay hàng trăm triệu USD; đang tiến hành một dự án đặc biệt “Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn” với khoản kinh phí lớn nhằm tạo mọi cơ hội, điều kiện cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đi học.
Nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn được triển khai thực hiện. Hệ thống các trường phổ thông nội trú và bán trú được củng cố và mở rộng với 13 trường trung ương, 50 trường tỉnh, 266 trường huyện và 519 trường bán trú xã, cụm xã. Việc dạy chữ dân tộc đã được đẩy mạnh ở các địa phương, nhờ đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số mù chữ giảm mạnh.
Ngành giáo dục và đào tạo đã đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản mà Chiến lược phát triển giáo dục đề ra. Giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được thành tích đáng kể ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Việt Nam được đánh giá là có tiến bộ nhanh hơn so với phần lớn các nước có thu nhập thấp khác trên thế giới trong việc khắc phục những sự chênh lệch về giới và về tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi.
Việt Nam đã tạo được sự công bằng trong tiếp cận học tập cho tất cả trẻ em gái, trai của các dân tộc, ở các vùng, miền và đặc biệt quan tâm tới những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không chỉ quan tâm tới việc phổ cập tiểu học mà Nhà nước còn có sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục mầm non, bậc học tiền đề cho giáo dục tiểu học.
Các trường lớp của Việt Nam đã và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn về hạ tầng cơ sở đảm bảo cho việc dạy và học có chất lượng tương đương với các nước khác trong khu vực.
Việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên nói chung được chú trọng đặc biệt. Mạng lưới trường sư phạm rộng khắp cả nước với 10 trường đại học sư phạm, 11 trường đại học đa ngành được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm (trong đó chủ yếu là đào tạo sư phạm), trên 80 trường cao đẳng tham gia đào tạo giáo viên; hàng năm có hơn 9.000 giáo viên mầm non, tiểu học được tập huấn đào tạo về giáo dục hòa nhập. Năm học 2020 – 2021, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non, hơn 8,8 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,9 triệu học sinh THCS, hơn 2,7 triệu học sinh THPT.
Chúng ta thừa nhận rằng, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của nước nhà, vẫn còn không ít nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Song những kết quả tích cực trong ngành giáo dục và đào tạo là không thể phủ nhận. Đồng thời, cũng là những bằng chứng đanh thép đập tan âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc nền giáo dục ở Việt Nam của Nhóm chúng tôi ghét lừa dối./.