VIỆT NAM KHÔNG CHỌN BÊN MÀ CHỌN CÔNG LÝ VÀ LẼ PHẢI

Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Trung Quốc gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Dư luận đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam và ca ngợi tình hữu nghị, sự gắn bó, tầm ảnh hưởng của hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, các trang chống cộng, những kẻ phản động lại bày tỏ giọng điệu hiềm khích, xỏ xiên nhằm mục đích xuyên tạc đường lối đối ngoại; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta; kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, quốc tế. Từ đó, hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam. Trên trang “Doithoaionline. com”, Phạm Trần, một trong những kẻ phản động, lưu manh chính trị “có số má” luôn điên cuồng chống phá Việt Nam lại phát tán bài viết: VIỆT NAM CÓ CHỌN BÊN KHÔNG?

Bằng nhận định chủ quan, suy diễn và xuyên tạc về các vấn đề trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam – Trung Quốc, Y cho rằng: “Ba vấn đề nổi cộm “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” và “nhân quyền” Việt Nam và Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm và phải đối phó, vì là những vấn đề có thể biến thành gai nhọn cho hai Chế độ. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều bị Quốc tế lên án vi phạm quyền con người nghiêm trọng và bắt giam những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do” nên “SỢ DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”. Y khơi lại những ký ức đau thương “nghìn năm Bắc thuộc”, nhất là trong xung đột Biên giới (1979) và Biển đảo (1974, 1988) giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hơn thế, Y phê phán và trắng trợn xuyên tạc quan điểm, lập trường, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là không nhất quán, đã “chọn bên” trong quan hệ đối ngoại. Đây là luận điệu sai trái, thủ đoạn hết sức nham hiểm, vô cùng phản động của Phạm Trần nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín và phá hoại quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, cần phải được vạch trần và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) của Việt Nam đã nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; trong đó, 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”; quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 05 châu lục. Đặc biệt, Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 05 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia. Cho dù 2 bên vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa đồng thuận, chủ yếu là vấn đề trên biển, song quan hệ tốt đẹp giữa hai đảng là yếu tố quan trọng để giúp hai quốc gia xử lý những vấn đề còn chưa đồng thuận một cách mềm dẻo, hòa bình.

Trong thực hiện đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Đối với những vấn đề phức tạp của các quốc gia, chúng ta luôn dương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhất quán và kiên trì thực hiện những quan điểm về đường lối đối ngoại của mình, bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc vừa khéo léo, linh hoạt, đảm bảo lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, không chọn bên mà chọn lẽ phải, công lý và chính nghĩa, vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và nhân loại tiến bộ trên thế giới, góp phần khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế trên là minh chứng sống động, chân thực, đanh thép, đập tan những luận điệu xuyên tạc, suy diễn của Phạm Trần và các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.