Cần nhìn nhận khách quan, khoa học về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đức Trung

Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin, trang mạng xã hội, blog cá nhân,… vẫn còn có người đưa ra ý kiến theo kiểu “cố đấm ăn xôi”, không thừa nhận sự đúng đắn của chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ quan niệm sai lầm khi cho kinh tế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nên họ cho rằng không thể có kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cũng như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó đi đến kết luận cực đoan rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “khái niệm mơ hồ”, là “điều hoàn toàn không tưởng”, rằng nếu Việt Nam tiếp tục đi theo con đường đang đi thì sẽ phải lãnh chịu những hậu quả nặng nề. Sự thực có đúng như vậy không? Chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, khoa học.

Trước hết, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Nhìn lại lịch sử phát triển của kinh tế thị trư­ờng trên thế giới cho thấy, kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ và ở trình độ cao; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động và các mối quan hệ trong nền kinh tế. Với những đặc trưng cơ bản đó cho thấy, kinh tế thị trường xuất hiện tr­ước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, và nó còn tồn tại, phát triển cả sau chủ nghĩa tư bản, khi những cơ sở kinh tế – xã hội cho nó tồn tại và phát triển vẫn còn. Kinh tế hàng hóa (giai đoạn thấp của kinh tế thị trường) cũng đã phát triển trong lòng xã hội phong kiến. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường đạt đến đỉnh cao khi sức lao động trở thành hàng hóa. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển rất mạnh mẽ; nó xuyên qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Có lẽ, vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển là một tất yếu khách quan.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển không phải do ý muốn áp đặt, chủ quan, duy ý chí của ai đó mà là do những điều kiện, tiền đề kinh tế – xã hội cho nó tồn tại và phát triển vẫn còn, đó là là sự phân công lao động xã hội và sự độc lập về mặt kinh tế giữa những chủ thể sản xuất kinh doanh vẫn còn.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như dưới chủ nghĩa xã hội, phân công lao động xã hội với tư cách là cơ sở của trao đổi hàng hóa không mất đi, trái lại ngày một phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; sự chuyên môn hóa và hợp tác lao động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn được mở rộng ra phạm vi quốc tế. Và, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu hỗn hợp khác); đồng thời, trong hình thức sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất cũng có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc nhà nước) và quyền sử dụng tư liệu sản xuất (thuộc tổ chức và cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng). Đó là cơ sở kinh tế – xã hội để cho các chủ thể sản xuất kinh doanh độc lập về mặt kinh tế, toàn quyền chi phối sản phẩm. Như vậy, rõ ràng là, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như dưới chủ nghĩa xã hội, những điều kiện kinh tế – xã hội để kinh tế thị trường tồn tại và phát triển vẫn còn. Mặt khác, kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế – xã hội, mà chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế – xã hội, là hình thức vận hành nền kinh tế trong trạng thái phát triển, đối lập với trạng thái lạc hậu, trì trệ của nền kinh tế tự nhiên, kinh tế hiện vật. Là một kiểu tổ chức kinh tế – xã hội, kinh tế thị trường thuộc về quan hệ sản xuất, song không phải là yếu tố quyết định chế độ kinh tế – xã hội. Vì lý do này mà kinh tế thị trường luôn phải có tính từ đi kèm để định danh cho nền kinh tế đó, như: Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải là “tấm áo khoác xã hội chủ nghĩa mang nội dung tư bản”.

Việt Nam, đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do đó nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chư­a hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song điều chắc chắn rằng đó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam sẽ ngăn chặn, không để thị trường tự phát theo con đường tư­ bản chủ nghĩa, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển đúng hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó tạo ra sự khác biệt căn bản về chất giữa kinh tế thị trư­ờng định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với kinh tế thị trư­ờng tư bản chủ nghĩa.

Một sự thật hiển nhiên là, kinh tế thị trư­ờng tư­ bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư­ bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế tư­ bản t­ư nhân; mục đích chủ yếu của nền kinh tế là mang lại lợi ích cho giai cấp bóc lột. Khác hẳn với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức nền kinh tế trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế còn kém phát triển. Kiểu tổ chức nền kinh tế này nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam đạt đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, sự can thiệp của nhà nước luôn mang tính chất tư sản và trong khuôn khổ của chế độ tư sản với mục đích nhằm bảo đảm môi trường kinh tế – xã hội thuận lợi cho sự thống trị của giai cấp tư sản, cho sự bền vững của chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, như đã đề cập ở trên, thì sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế lại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của toàn thể nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô như: kế hoạch, chính sách, pháp luật,… và bằng cả sức mạnh vật chất của thành phần kinh tế nhà nước, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục có hiệu quả mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, kinh tế thị trư­ờng định hư­ớng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thực hiện phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn, các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Sự thành công của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; các vấn đề về phát triển giáo dục, y tế, việc làm; về xóa đói, giảm nghèo; về văn hóa – xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với những đối tượng đặc biệt (gia đình có công với cách mạng, thương binh, người tàn tật,…) ngày càng được quan tâm.

Như vậy, dựa vào những cơ sở khoa học và sự phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng, kinh tế thị tr­ường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã và đang hiện hữu và phát huy tác dụng to lớn đối với sự phát triển của đất nước; là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; thể hiện tư duy, quan niệm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Quan điểm cho rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “khái niệm mơ hồ”, “là hoàn toàn không tưởng”,… là không có căn cứ khoa học; nếu không là sự nhận thức mơ hồ, phiến diện thì cũng là những luận điệu ác ý nhằm phủ nhận đường lối phát triển kinh tế, phá hoại công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

4 thoughts on “Cần nhìn nhận khách quan, khoa học về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

  • 27 Tháng Chín, 2015 at 10:25 sáng
    Permalink

    Việt Nam phát triển kinh tế thị trường là đúng. Tuy nhiên, VN lựa chọn con đường đi lên CNXH, thì kinh tế thị trường ở VN phải khác với kinh tế thị trường ở các nước tư bản. Cảm ơn bài viết của Đức Trung đã cho người đọc hiểu rõ thêm về kinh tế thị trường định hướng XHCN.

    Reply
  • 30 Tháng Mười Một, 2015 at 2:29 chiều
    Permalink

    Bằng lí luận kinh tế chính trị Mac Lênin kết hợp với hiện thực điều hành và phát triển nền kinh tế nước ta những năm qua, có thể khẳng định bản chất nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đồng thời từ đó nhìn nhận sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân thêm vững tin thực hiện theo định hướng phát triển kinh tế đất nước mà Đảng ta đã đề ra, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

    Reply
  • 14 Tháng Mười Hai, 2015 at 8:35 sáng
    Permalink

    Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường hiện thực và tối ưu đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, những thiết kế cụ thể để mô hình đó hoạt động hiệu quả còn là thách thức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Song, trên giác độ nhận thức luận, không còn nghi ngờ gì về con đường đã chọn. Vấn đề là kiên định mục đích, linh hoạt trong phương thức thực hiện, coi mục tiêu phát triển bền vững và ưu tiên lợi ích của nhân dân lao động là những tiêu chuẩn tối cao cho các lựa chọn chính sách của mình.

    Reply
  • 14 Tháng Mười Hai, 2015 at 7:36 chiều
    Permalink

    Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường, tồn tại trong nhiều chế độ xã hội khác nhau, là thành quả chung của nhân loại trong quá trình phát triển. Song không có kinh tế thị trường chung, đồng nhất cho mọi chế độ xã hội khác nhau. Trong mỗi chế độ xã hội khác nhau, kinh tế thị trường mang những đặc trưng, bản chất khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển lực lượng sản xuất, vào bản chất chính trị của chế độ xã hội đó, phù hợp với lịch sử, văn hóa, tập quán của từng quốc gia dân tộc. Dẫu biết rằng, những quy luật kinh tế chi phối sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường là khách quan, có những yêu cầu tất yếu như nhau; nhưng quan điểm, tập quán, thói quen vận dụng những quy luật kinh tế khách quan đó trong mỗi quốc gia là khác nhau. Không thể có nền kinh tế thị trường ở nước này lại là bản sao của kinh tế thị trường ở nước khác. Do vậy, không thể nói kinh tế thị trường ở Việt Nam là “bản sao” kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, và rằng, Việt Nam đang muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đó đều là những luận điệu xuyên tạc, chống phá.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.