Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc lịch sử của Phạm Trần

Mới đây, Phạm Trần có bài viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã lỡ một chuyến tàu”. Nội dung bài viết của Phạm Trần đã đưa ra một số nhận định, đánh giá chủ quan, cố tình xuyên tạc lịch sử của dân tộc, trong đó đáng chú ý một số luận điểm sau đây.

Thứ nhất, Phạm Trần cho rằng Nhà nước cộng sản Việt Nam đã để mất chính nghĩa chủ quyền quốc gia ở Biển Đông ngay khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Cộng đánh chiếm từ tay hải quân Việt Nam cộng hòa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Đây là luận điệu xuyên tạc lịch sử trắng trợn của Phạm Trần. Việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19 tháng 1 năm 1974 từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa là một sự kiện cả thế giới đều biết. Tuy nhiên, Phạm Trần vu cáo: “Nhà nước Cộng sản Việt nam đã để mất chủ quyền quốc gia ở Biển Đông ngay khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Cộng đánh chiếm từ tay hải quân Việt Nam cộng hòa trong khi nhân dân ta nỗ lực tập trung giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thực tế lịch sử cho thấy, Trung Quốc đã lợi dụng đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Hải quân Việt Nam cộng hòa. Vì vậy, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trong thời gian mở cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, cùng với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực, các đơn vị của Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong nhiều hội nghị quốc tế, diễn đàn khu vực, Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp các đảo trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chấm dứt hành động xây dựng căn cứ quân sự, cơ sở kinh tế trên quần đảo Hoàng Sa và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về Biển Đông, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Trong các cuộc hội thảo đó, Việt Nam đã công bố các tài liệu khoa học, lịch sử khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định rõ quan điểm kiên trì, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, bên cạnh việc đấu tranh bằng con đường ngoại giao, Đảng, Nhà nước ta đã và đang đầu tư hiện đại hóa lực lượng Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, các lực lượng tham gia tác chiến trên biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Ngày 2/5/2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội ta kiên quyết đấu tranh trong suốt 75 ngày đêm. Vì vậy, ngày 16/7/2014 Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là thắng lợi trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên Biển Đông, được thế giới ủng hộ, đánh giá cao.

Giải quyết tranh chấp biển, đảo trên Biển Đông, trực tiếp là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề đặc biệt hệ trọng, nhạy cảm và vô cùng khó khăn, phức tạp, do sự đan cài lợi ích, sự thỏa hiệp giữa các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn. Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội ta vẫn quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng, Nhà nước ta không bao giờ đánh mất chính nghĩa chủ quyền quốc gia trên Biển Đông như Phạm Trần vu cáo, xuyên tạc.

Thứ hai, Phạm Trần cho rằng chỉ có nhà nước Việt Nam cộng hòa mới là chính danh, còn Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không chính danh. Sau khi trích dẫn lời giới thiệu của PGS.TS Trần Đức Cường, Nguyên Viện trưởng Viện sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng chủ biên bộ sách lịch sử Việt Nam với báo chí, Phạm Trần đã tỏ rõ thái độ thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng hòa là chính danh và cho rằng chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là không chính danh, là “chính danh trên giấy”. “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc hội có dân bầu đầu tiên năm 1946, sau đó đã “ thay hình đổi dạng” thành một Chính phủ, Quốc hội “ đảng cử dân bầu riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, cái chính danh của Quốc hội “ đảng cử dân bầu” và Nhà nước do Đảng độc quyền lãnh đạo chưa bao giờ là “của dân, do dân, vì dân” như nhà nước Việt Nam tuyên truyền”.

Luận điệu trên đây của Phạm Trần cũng là một sự xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên làm cách mạng Tháng Tám thành công, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lật đổ chính quyền tay sai do Pháp lập nên khi xâm lược, đô hộ ViệtNam. Chính vì vậy, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Nhà nước duy nhất có đủ tư cách pháp lý đại diện cho đất nước Việt Nam trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, tiếp tục dựng nên chính quyền tay sai để áp đặt chế độ cai trị của Pháp ở Việt Nam. Khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam và Đông Dương, đế quốc Mỹ nhảy vào, tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã lập ra và nuôi dưỡng chính quyền ở miền Nam Việt Nam để thực hiện mưu đồ chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược suốt 9 năm (1945- 1954), tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ suốt 21 năm (1954- 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Vậy, chính phủ nào là chính danh? Chính quyền Ngụy Sài Gòn bị quân và dân ta đứng lên lật đổ, tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện, phần đông quan chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam cộng hòa chạy ra nước ngoài xin cư trú chính trị là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Còn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, cùng dân tộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước Phạm Trần cho là không chính danh? Điều hoàn toàn phi lý.

Lợi dụng việc xuất bản bộ sách lịch sử để xuyên tạc lịch sử vì mục đích chính trị của Phạm Trần là không thể chấp nhận. Nhân dân ta đã trải qua cuộc sống dưới chế độ thực dân, phong kiến, chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ hiểu rõ nhà nước nào là chính danh, nhà nước nào là thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tất cả những điều Phạm Trần nêu ra trong bài viết chỉ là hành động cơ hội về chính trị “mượn gió bẻ măng”, tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, phục vụ cho mục đích chống phá cách mạng Việt Nam, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước ta với nhân dân. Hãy cảnh giác và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc lịch sử của Phạm Trần./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc lịch sử của Phạm Trần

  • 14 Tháng Mười, 2017 at 11:06 chiều
    Permalink

    đồng tình hay bất lực?

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.