Đằng sau luận điệu “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”

Trần Đăng

Thông qua Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, dư luận quốc tế đánh giá cao tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, thì trớ trêu thay, ngoài các trang mạng của các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn để tán phát, truyền bá quan điểm sai trái, phản động, còn có những người tự xưng là “tầng lớp những người có hiểu biết” đã cố tình xuyên tạc sự thật về tình hình kinh tế, xã hội nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Đáng chú ý là luận điệu công kích với thái độ hằn học được đề cập ở bài “Việt nam: 70 năm vẫn lạc đường và đâu là lối thoát?”; trong đó họ đánh giá “Việt nam đã tụt hậu về mọi mặt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục v.v… so với các nước trong khu vực là điều không phải bàn cãi”. Họ còn trắng trợn công khai rằng, muốn khắc phục sự tụt hậu, trước hết về kinh tế “Phải lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm, đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”, trên cơ sở đó Việt Nam “cải các thể chế chính trị một cách sâu rộng”. Đây là điều miệng nói mà đầu không suy nghĩ, là luận điệu sai trái, lừa bịp mang tính điệp khúc, một sự quy chụp, áp đặt không căn cứ của bọn người buôn chuyện, cố tình chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vậy đâu là sự sai trái, lừa bịp, đâu là sự quy chụp và áp đặt không căn cứ của luận điệu “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”, kinh tế tư nhân “đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”. Cần chỉ ra rằng, họ khẳng định “vai trò đầu tàu” của kinh tế tư nhân, “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm” là họ muốn phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; đó là sự xuyên tạc thô bạo nhằm đạt được mục tiêu “kép”: từng bước phủ nhận Hiến pháp 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); đồng thời, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến tới phủ nhận và xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế…”[1], trong đó “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo… Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”[2]. Hiến pháp 2013 chỉ rõ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”[3]. Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 khẳng định như vậy là cần thiết và đúng cả về lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, để có chủ nghĩa xã hội với mục tiêu khi kết thúc thời kỳ quá độ chúng ta phải “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội[4]. Nghĩa là vừa phải xây dựng cơ sở vật chất; vừa phải xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang xây dựng, nhưng đã hình thành yếu tố kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đó là chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, trong đó, kinh tế nhà nước là một chủ thể. Mô hình kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo vừa phù hợp với mục tiêu của thời kỳ quá độ, vừa phù hợp với đặc trưng chủ nghĩa xã hội. Do đó, “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”, thừa nhận kinh tế tư nhân “đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước” là gạt bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cũng có nghĩa là xóa bỏ nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp không có tệ nạn bóc lột người.

Về thực tiễn, không phải hiện nay chúng ta mới nhận thấy vai trò của kinh tế nhà nước; sự tồn tại của kinh tế nhà nước với vai trò chủ đạo là khách quan; tính chủ đạo thể hiện ở vai trò định hướng, mở đường, là công cụ điều tiết. Tuy nhiên, thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, cần thử nghiệm để lựa chọn, nhân lên cái tốt trên con đường đó đến thành công. Đó là sự thật hiển nhiên mà mọi quốc gia, dân tộc đều phải trải qua để có được sự phồn vinh, hạnh phúc.

Để có thêm căn cứ thực tiễn, xin khái lược về sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở nước ta. Mặc dù kinh tế tư nhân đã tồn tại, nhưng phải đến Đại hội VI chúng ta mới thừa nhận có thành phần kinh tế này. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Năm 2002, Đảng ta ra Nghị quyết về kinh tế tư nhân, trong đó xác định: kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài. Đại hội X thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội XI khuyến khích thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Gần đây, Đảng ta chủ trương khuyến khích tư nhân đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP). Như vậy, về pháp lý cũng như thực tế, kinh tế tư nhân đã và đang tồn tại, phát triển. Phải thừa nhận rằng, kinh tế tư nhân đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Song, cần thống nhất rằng, ghi nhận và khẳng định đóng góp của kinh tế tư nhân dù quan trọng thế nào đối với nền kinh tế, không phải là căn cứ để “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm, hay khẳng định kinh tế tư nhân “đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”. Càng không nên lợi dụng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để khẳng định kinh tế tư nhân “đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”, “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”. Những ai cổ súy cho luận điệu này, thực chất là cổ súy tư nhân hóa nền kinh tế nước ta. Điều đó có nghĩa, sẽ chuyển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng sang chế độ sở hữu tư nhân. Đây có phải là ước muốn, hay sự lựa chọn của dân tộc ta? Phải trả lời dứt khoát rằng: không đúng; đó là chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, đi theo sự hướng lái của các thế lực thù địch.

Từ lý luận và thực tiễn trên đây có thể khẳng định, những tư tưởng, quan điểm sai trái nêu trên xuất phát từ một nhóm người cố tình xuyên tạc, uốn cong sự thật nhằm hạ thấp vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ẩn sau sự chỉ dẫn “Phải lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm, kinh tế tư nhân “đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước” không đơn thuần chỉ là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, mà sảo quyệt hơn, thông qua khẳng định vai trò đầu tầu của kinh tế tư nhân, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, xuyên tạc Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp 2013 của nước ta, các thế lực thù địch thực hiện mưu đồ thâm hiểm là kêu gọi tư nhân hóa nền kinh tế, để trên cơ sở đó từng bước phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và mục đích cuối cùng, xâu xa hơn là phủ nhận chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang dày công xây dựng, hướng lái dân tộc ta đi theo quỹ đạo của tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác, tỉnh táo để nhận diện và làm rõ đúng sai từ những‎ ý kiến trái chiều, và kịp thời vạch mặt./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 73.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 73-74.

[3] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2014, tr.25

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 71.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

3 thoughts on “Đằng sau luận điệu “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”

  • 20 Tháng Chín, 2015 at 11:19 chiều
    Permalink

    Để cho mấy tay “mượn gió bẻ măng” “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm” thì khác nào để chúng “rước hùm cửa sau”. Đại họa!

    Reply
  • 14 Tháng Mười Hai, 2015 at 8:54 sáng
    Permalink

    Phát triển KTTN là xu thế tất yếu trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ sở hữu về tư liệu sản xuất của các bộ phận cấu thành thành phần kinh tế này có sự khác nhau; do đó, cần nghiên cứu để định hướng cho sự phát triển các bộ phận của thành phần KTTN theo mục tiêu của CNXH cần được đặt ra để thúc đẩy KTTN phát triển theo đúng định hướng XHCN. Có như vậy, KTTN mới phát huy vai trò to lớn trong xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN.
    Đồng thời, kiên quyết bác bỏ những luận điệu “cổ súy” lấy KTTN làm nòng cốt, “kêu gọi” tư nhân hóa nền kinh tế. Bởi, thực chất đây là thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, muốn hướng lái đất nước ta phát triển theo quỹ đạo TBCN.

    Reply
  • 14 Tháng Mười Hai, 2015 at 9:44 sáng
    Permalink

    Với tư duy mới, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, có vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kinh tế tư nhân phát triển. Thế nhưng, dù thế nào kinh tế tư nhân cũng không thể thay thế được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Vì sao? Câu trả lời thì mọi người cũng đã rõ. Cho nên, với luận điệu “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”, các thế lực thù địch muốn cổ vũ cho sở hữu tư nhân, xóa bỏ hình thức sở hữu tập thể. Hay nói cách khác, chúng muốn xóa bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thay vào đo là còn đường tư bản chủ nghĩa. Một âm mưu rất tinh vi và thâm độc.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.