Đừng lấy “nhân quyền” làm trò chơi “thày bói xem voi”

Quan điểm về quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hoá dân tộc và những tiêu chuẩn về quyền con người được thế giới thừa nhận rộng rãi. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra rằng khái niệm nhân quyền hay “quyền con người” là một phạm trù lịch sử: quyền con người không phải chỉ là các quyền mang tính tự nhiên mà luôn gắn với cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, gắn với trình độ phát triển và tiến bộ xã hội trong từng thời kỳ. Quyền con người bao giờ cũng phụ thuộc vào phương thức sản xuất, với quan hệ sản xuất thống trị quy định nên chế độ chính trị – xã hội ấy và mang tính giai cấp. C. Mác đã chỉ ra rằng, tự do của mỗi giai cấp là sự mất tự do của giai cấp đối lập. Như vậy, bản chất xã hội, bản chất giai cấp quy định nên bản chất của quyền con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kết hợp giữa chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa với truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam, giữa lý luận mác-xít và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quan điểm trên được Người thể hiện qua bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ trong ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo chứa đựng một tư tưởng lớn về nhân quyền. Lần đầu tiên, các quyền tự do cá nhân được mở rộng thành quyền dân tộc, đó là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết.

Kế thừa và phát huy giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hoá dân tộc, quan điểm nhất quán và xuyên suốt về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta là: Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại. Chúng ta quan niệm không thể có thứ tự do nào mà không có trách nhiệm đi kèm. Bởi lẽ, nếu tự do là tuyệt đối, thì tự do không hạn chế của người này sẽ dẫn tới sự vi phạm quyền con người của người khác và lẽ đương nhiên là đem lại tai hoạ cho xã hội. Quyền con người ở nước ta trước hết là quyền được làm công dân của một nước độc lập, tự do, quyền được sống bình đẳng và mức sống không ngừng được nâng cao. Quyền của mỗi người phải gắn với vận mệnh và quyền của cả cộng đồng và toàn dân tộc, với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền con người thống nhất với quyền dân tộc cơ bản, nhân quyền không được cao hơn chủ quyền. Thực thi quyền con người phải gắn liền và thống nhất với quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Nếu dân tộc không được độc lập, chủ quyền quốc gia không được xác lập thì không có quyền con người. Giải quyết các vấn đề cụ thể về quyền con người phải kết hợp giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Tính phổ biến của quyền con người chỉ có thể được đảm bảo chắc chắn khi tính đến những đặc thù khác nhau ở mỗi khu vực, trong những điều kiện cụ thể về lịch sử, văn hoá, tôn giáo, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quyền con người mang tính giai cấp. Quyền con người ở Việt Nam được thể hiện trong quyền và nghĩa vụ công dân, thực hiện quyền con người gắn liền với quá trình thực hiện dân chủ hoá xã hội.

Từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và phải trả bằng xương, máu trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam hiểu hơn bao giờ hết giá trị của độc lập, tự do, nhân quyền. Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một, kiên trì quan điểm giải quyết vấn đề quyền con người trên nguyên tắc nhân quyền không được cao hơn chủ quyền, bảo đảm quyền con người phải căn cứ vào hoàn cảnh kinh tế – xã hội và truyền thống văn hoá, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam quan tâm thúc đẩy phát triển ngay từ khi nước Việt Nam mới ra đời, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Việc thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền ở Việt không nhằm để nước nào đó hài lòng hay không hài lòng. Điều quan trọng là nó đang được đại đa số trong gần 90 triệu người dân Việt Nam chấp thuận. Cho dù còn phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành đang là cơ sở cho sự ổn định chính trị – xã hội, nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm cho sự phát triển về mọi mặt, bao gồm cả nhân quyền. Chính sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam trong những năm qua là tiền đề cơ bản bảo đảm cho việc thực hiện thành công công cuộc đổi mới ở Việt Nam, với những thành tựu to lớn được người dân trong nước thừa nhận, được Liên Hiệp Quốc và cả thế giới đánh giá cao, được nhiều nước, trước hết là các nước nghèo, đang phát triển coi là tấm gương để học tập và làm theo. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016 và Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất (184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu).

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong việc đảm bảo quyền dân sự, chính trị cho người dân thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân.

Để giải quyết vấn đề nhân quyền, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực quyền con người nói riêng, còn chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn tới khó khăn, thậm chí hiểu sai trong quá trình vận dụng và thực thi pháp luật ở cơ sở. Đất nước Việt Nam trải dài hơn 2.000 km từ Bắc xuống Nam, trong đó địa hình núi đồi chiếm ba phần tư diện tích đất nước. Dân cư sống phân tán trên các vùng miền với ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt rất khác nhau. Đặc biệt, những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin… nên trình độ học vấn còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật, chính sách cũng như năng lực tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chính quyền, từ trung ương tới địa phương, trong việc xây dựng và triển khai các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị.

Tuy đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong các năm qua, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng thường bị thiên tai, còn nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã dành nhiều ưu tiên cho phát triển các vùng đặc biệt khó khăn thông qua các Chương trình 134, 135… nhưng do nguồn lực của đất nước còn hạn chế nên ở nhiều địa phương, cơ sở vật chất đảm bảo y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, thông tin, thể thao… còn nhiều thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người dân. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã kéo theo những vấn nạn xã hội đáng lo ngại. Thất nghiệp gia tăng, sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền còn lớn, những tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng lan rộng, tai nạn giao thông ngày càng tăng, môi trường sống bị ô nhiễm… Bên cạnh đó, những phong tục, tập quán và định kiến mang tính địa phương vẫn còn nặng nề tạo nên khoảng cách về giới, nhất là trong nhận thức. Tư tưởng trọng nam khinh nữ; nạn ngược đãi phụ nữ, bạo lực trong gia đình vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp. Những vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc hưởng thụ các quyền, đặc biệt là quyền sống và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, mà còn là thách thức đối với các cơ quan chính quyền trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những biến động của môi trường quốc tế đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam.

Các loại bệnh, dịch bệnh, môi sinh, môi trường (Formosa) chưa được giải quyết dứt điểm và tiếp tục diễn biến phức tạp, đi cùng với biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã và đang làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng nặng nề hơn. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi người dân mà còn làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển con người. Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ Nhà nước, kể cả ở trung ương và địa phương về quyền con người còn nhiều hạn chế: không chỉ không nắm được các quy định của luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà đôi khi còn nắm không chắc các quy định của luật pháp và chủ trương chính sách của Nhà nước, do vậy có nơi có lúc còn để xảy ra các vụ việc vi phạm, làm hạn chế và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ: Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc khắc phục những thiếu sót và có nhiều chủ trương, biện pháp để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

2 thoughts on “Đừng lấy “nhân quyền” làm trò chơi “thày bói xem voi”

  • 12 Tháng Chín, 2016 at 8:26 sáng
    Permalink

    Đảng Cộng sản Việt nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người.

    Reply
  • 13 Tháng Chín, 2016 at 10:00 sáng
    Permalink

    Các chiêu bài “nhân quyền” đi kèm với “dân chủ” và nhiều ngón đòn khác là những ngón đòn ác độc mà các thế lực thù địch tung ra và sử dụng triệt để ở thời điểm hiện nay đã được họ tính toán kỹ lưỡng, sử dụng hợp thời, hợp mốt sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thế giới và bối cảnh Việt Nam đương đại; hơn thế nó còn được bọn cơ hội phản động chính trị hậu thuẫn tung hô cùng mục đích chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.