Đừng “vơ đũa cả nắm”, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Các thế lực thù địch đã không ngừng đưa ra các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tính chất dân chủ của nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; rằng Chính phủ Việt Nam từ chối quyền được thay đổi chính phủ…ngăn cấm tự do thông tin, tự do hội họp, tự do báo chí, tôn giáo. Chúng đòi Nhà nước ta phải theo mô hình nhà nước dân chủ tư sản phương Tây. Thực chất của mưu đồ xấu xa này là đối lập Đảng với Nhà nước; chia rẽ nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị đất nước; chia rẽ nhà nước với nhân dân.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình nhà nước dân chủ: Nhà nước dân chủ nhân dân, ở đó quyền lực thuộc về nhân dân mà quốc hội là người đại diện; Nhà nước quân chủ nghị viện, ở đó nhà Vua là người đứng đầu quốc gia nhưng không nắm thực quyền; Nhà nước cộng hoà Tổng thống, ở đó Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, có quyền lực rất lớn không chỉ trong ngành hành pháp mà còn chi phối cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. Như vậy dân chủ được thực hiện thông qua nhiều mô hình nhà nước. Việc lấy một mô hình nhà nước nào đó để làm căn cứ phê phán có dân chủ hay không dân chủ là phi lý. Nếu vì các tiêu chuẩn dân chủ thì tại sao ngay trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng có những mô hình nhà nước khác nhau. Vấn đề ở đây lại là tính chất triệt để của một nền dân chủ đào đó.
Các lý luận gia tư sản ca ngợi chế độ tam quyền phân lập ở Mỹ là nền dân chủ hoàn chỉnh. Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị ở các nước đó và các nhân vật cầm quyền trong ở các nhà nước tư sản đều do một tập đoàn chính trị đầu sỏ và các tổ chức kinh tế tư bản thao túng. Các tổ chức chính trị và kinh tế này có liên quan mật thiết với nhau cả về quan hệ chính trị, kinh tế để cùng điều hành đất nước. Dân chủ hay không dân chủ là ở chỗ nhà nước có thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân hay không. Hệ thống pháp luật của Nhà nước có bảo đảm thực thi quyền lực chính trị của nhân dân hay không.
Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nay là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước dân chủ. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do nhân dân bầu nên thông qua bầu cử tự do; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích hoạt động của nhà nước. Những nội dung đó đã được xác định trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thông qua bầu cử tự do; người đứng đầu nhà nước do nhân dân bầu ra. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền lập hiến và lập pháp; quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước; quyền quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, do Quốc hội bầu ra trong số các địa biểu Quốc hội. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước, bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Uỷ ban nhân dân do nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Ở nước ta, nhân dân thực hiện quyền làm chủ xã hội, tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội không chỉ thông qua Nhà nước mà còn thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị như: Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… các tổ chức xã hội khác: Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, v.v..
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp, tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nươc. Nhà nước tạo điều kiện để mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả. Với những yếu tố trên cho phép khảng định, Nhà nước ta là nhà nước của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ấy như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định là nhà nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, dân làm chủ.
Qua 30 năm đất nước đổi mới, để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, Đảng ta xác định, cần phải cải cách nền hành chính nhà nước là trong tâm của việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước là nhằm xây dựng củng cố nền hành chính trong sạch, vững mạnh đủ năng lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội đã có sự đổi mới. Các tổ chức xã hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn các hoạt động tham gia thành lập các cơ quan nhà nước và tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan đó. Giáo dục hội viên chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức, năng lực của người làm chủ; thu thập phản ánh ý kiến của nhân dân, đề xuất với cấp uỷ đảng, cơ quan nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước các cấp; tham gia vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, các lĩnh vực báo chí, thông tin, xuất bản được pháp luật bảo vệ và nhà nước bảo đảm. Việc tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, cách hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, các lĩnh vực thông tin, báo chí xuất bản đã được phát triển theo hướng khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo, tôn trọng tinh thần độc lập trong suy nghĩ trong nhận thức, thảo luận tranh luận một cách dân chủ, bình đẳng đã tạo ra trong trong đời sống tinh thần xã hội bầu không khí cởi mở, năng động, sáng tạo, tin cậy đấu tranh cho cái tiến bộ vì lợi ích của nhân dân và lợi ích của dân tộc.
Hệ thống thông tin đại chúng đã có sự phát triển mạnh mẽ ngày càng thực hiện tốt chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện xã hội vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Xu hướng thương mại hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản đã từng bước được khắc phục. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, thể thao ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và ngày càng đi vào chiều sâu. Các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ, lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập, về văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, dân số, dân tộc, tôn giáo, miến núi…. về cơ bản đã phù hợp với dân chủ hoá trên lĩnh vực kinh tế, xã hội. Mặc dù, các chính sách đó còn có điểm phải bổ sung, sửa chữa nhưng đã góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo ra những khởi sắc trong đời sống văn hoá xã hội, không khí xã hội cởi mở, dân chủ hơn, giao lưu văn hoá giữa các vùng trong nước được cải thiện.
Ý đồ thâm hiểm của những luận điệu xuyên tạc ở Việt Nam không có dân chủ là hòng gây mất ổn định chính trị, phá hoại thành quả của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới giành được; loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị đất nước; xoá bỏ chính quyền cách mạng, đưa đất nước ta đi theo mô hình tự do dân chủ tư sản; phá hoại niềm tin của nhân dân và của dân tộc đối với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta chuyển sang quỹ đạo của nền dân chủ tư sản. Đây là ý đồ cực kỳ hiểm độc mà chúng đã và đang thực hiện để làm sụp đổ, gây nội chiến ở các quốc giá dân tộc mà chúng cho rằng không đi theo mô hình của nền dân chủ tư sản. Những gì xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và các nước Trung Đông, Bắc Phi hiện nay là một minh chứng rõ ràng cho mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ để can thiệp, lật đổ Nhà nước của các quốc gia dân tộc không đi theo gậy chỉ huy của chúng./.
Tiêu chí để đánh giá một nhà nước dân chủ hay không dân chủ là ở chỗ nhà nước có thực sự của dân, do dân, vì dân hay không, hệ thống pháp luật của nhà nước có bảo đảm thực thi quyền lực chính trị của nhân dân hay không. Xét tiêu chí trên thì Nhà nước Việt Nam thực sự dân chủ vì bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về nhân dân như Bác Hồ đã căn dặn.
Thực chất của vấn đề “dân chủ nhân quyền” mà các thế lực thù địch đang khuếch trương ầm ĩ là phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, là sự phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.