“Đường băng” hay “Vực thẳm”

(Quang Minh)

Trước thềm Đại hội XII của Đảng, trên các trang mạng xã hội, sách báo hải ngoại đã thấy xuất hiện không ít “triết gia”, “minh triết”, họ ra sức “đúc kết”, triết tự, “chiêm nghiệm”, cao đạo, khuyên răn đủ điều, từ chuyện riêng tư, đến chuyện lo cho vận nước, con đường đi lên của dân tộc. Có người viết hàng trăm trang bày tỏ “tâm huyết”, “nhiệt tình yêu nước”, để rồi đề xuất “xây dựng một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam”!?

Cũng như nhiều Đại hội khác, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại không chỉ đối với toàn Đảng mà còn đối với toàn dân tộc ta. Đại hội được nhân dân cả nước mong chờ và bầu bạn quốc tế quan tâm, theo dõi. Việc tham gia, góp ý, xây dựng các văn kiện của Đại hội cũng là việc làm tự nhiên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân từ trước đến nay; không cần cậy nhờ đến những người “khai sáng”, “giả – học” khuyên răn, định hướng.

Con đường của nhân dân Việt Nam đi về đâu, đi như thế nào, bằng cách nào thì lịch sử đấu tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân ta nhận biết rõ và trả lời rõ ràng, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường thể hiện ý chí, tinh thần tự quyết của dân tộc; người Việt Nam tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc Việt Nam; lịch sử dân tộc và thời đại đã khẳng định là đúng đắn, không thể bàn cãi.

Việc góp ý vào các văn kiện của Đảng, nhất là khẳng định con đường đi lên của dân tộc Việt Nam đã và đang được đại hội đảng các cấp làm rõ hơn; được nhân dân và các đoàn thể chính trị, xã hội không ngừng quán triệt và cụ thể hóa bằng các góp ý, xây dựng cũng như các hành động thiết thực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và pháp lý, làm cho các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh được thể hiện trong cuộc sống.

Vừa qua, có nhiều nhân sĩ, học giả, các nhà khoa học, các giới đồng bào cả trong và ngoài nước đã tích cực, nhiệt tình tham gia đóng góp vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Nhiều ý kiến chân tình, thẳng thắn, nêu lên được những thành công cũng như hạn chế, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta, nhất là những hạn chế trong nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện, những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức… Những ý kiến xây dựng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận, và là cơ sở để Đảng, Nhà nước tiếp thu và sửa đổi trong các quyết sách của mình.

Tuy nhiên, lợi dụng việc góp ý này, không ít người, nhóm người cho rằng “giờ lịch sử đã điểm, thời cơ đã đến”, hùa nhau đòi thay đổi chế độ chính trị ở nước ta bằng cách “hướng lái” như kiểu đề xuất “một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam”? Vậy thực chất cái “đường băng” mà họ đặt ra là gì? Không khó để nhận ra bản chất con đường mà họ dẫn dụ là đưa dân tộc ta đến “vực thẳm”:

Một là, họ hô hào “Tuyên bố tính hợp pháp của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa”! Nghe đến vấn đề này, người dân Việt Nam tự hỏi, cái chính phủ nào đây, có phải do quốc dân đại hội toàn thể dân tộc Việt Nam lập ra? Hay chỉ là của một số kẻ ảo tưởng, huyễn hoặc, tâm thần không ổn định nghĩ ra, hay các nhóm người phi pháp, tự xưng nào đó suốt đời còn ôm ấp lá cờ “ba que” đã bị dân tộc vứt bỏ từ lâu, tưởng tượng ra? Hoặc đó có phải “cái thây ma” thối rữa – “Việt Nam Cộng hòa” đã bị nhân dân ta đánh đổ vào năm 1975? – Cái nhà nước của chế độ tay sai, can lòng chia cắt hai miền đất nước, theo gót đế quốc Mỹ, giày xéo lên nghĩa đồng bào, truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc? Chẳng nhẽ lại vực dậy mô hình nhà nước “lý tưởng” của ông Diệm, ông Thiệu một thời đã bị cả dân tộc và thế giới lên án là chế độ phát xít? Xin trả lời là dân ta, nhất là đồng bào miền Nam không muốn quay lại những “ấp chiến lược”, những trại tập trung, đầy chuồng cọp và lao tù!

Hai là, họ đòi “phải thành tâm thừa nhận những sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo công thương ở hai miền”. Những sai lầm, nóng vội của Đảng ta trong cải cách, ruộng đất ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã không chỉ đã được Đảng ta thừa nhận và tự kiểm điểm sâu sắc, mà còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố công khai, nhận rõ khuyết điểm trước quốc dân đồng bào; đã được tổ chức sửa sai một cách nghiêm túc; được nhân dân cả nước công nhận, nhờ đó mà phát huy được sức mạnh của toàn dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi đó sao. Còn việc cải tạo công thương ở miền Nam sau giải phóng 1975 là việc tất yếu phải làm. Muốn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội không thể có một nhà nước phản bội nhân dân. Việc sở hữu khối tài sản cá nhân kếch xù của các tư thương, tư sản có được nhờ vào các chính sách kinh tế thuộc địa kiểu mới của Mỹ và sự chiếm đoạt tài sản quốc dân và quốc gia từ thời Mỹ – ngụy mẫu thuẫn với chế độ sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa. Trong khi, nhân dân miền Bắc dù còn phải đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc – đạo lý lớn nhất của người Việt Nam, đã hết lòng, hết sức “vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thì làm sao có thể không tiến hành cải tạo công thương, cải tạo tư sản dân tộc.

Ba là, họ vu cáo ta “đối xử không theo đạo lý của dân tộc đối với cá nhân và cán binh của chính phủ Việt Nam Cộng hòa”! Hãy nhìn lại lịch sử và tự hỏi: Một thời nắm giữ chính quyền tay sai ở miền Nam, các vị có đối xử nhân đạo và khoan dung với những cán bộ và gia đình cán bộ cách mạng hay không? Lịch sử đã cho thấy, các vị đã thi hành một chính sách tận diệt cộng sản một cách tàn bạo, thực hiện đạo luật 10-59, “giết nhầm hơn bỏ sót”, lê máy chém đi khắp miền Nam, biến miền Nam trở thành một nhà tù tàn bạo hơn cả phát xít, bắt bớ, giam cầm, tù đày, giết đồng bào yêu nước và những người cộng sản không ghê tay, cứ 10 người cộng sản ở lại miền Nam chỉ còn 1 người… Ngược lại, sau giải phóng 1975, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh chính sách tù hàng binh, nhân đạo và khoan dung mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đối với những người lầm lỗi, tạo điều kiện cho hàng vạn cán binh, viên chức của chế độ cũ được cải tạo, sửa chữa lầm lỗi với cách mạng và dân tộc, có cuộc sống bình thường như bao người dân khác. Họ đã được hưởng những quyền tự do, dân chủ như bao công dân khác, dẫu trước đây rất nhiều trong chính quyền cũ, có nhiều tội ác, nợ máu với cách mạng, nhưng nay đã hối cải, quyết tâm sửa chữa thì cách mạng đâu có trả thù họ, và rất nhiều người đã ca ngợi và thừa nhận chính sách nhân đạo này của Nhà nước ta. Thử hỏi, có nhà nước nào như Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Việt Nam lại có lòng nhân đạo và khoan dung đối với các binh sĩ, sĩ quan và nhân viên của chế độ cũ – Việt Nam Cộng hòa, đến vậy?

Lịch sử và hiện tại đã cho thấy, các đòi hỏi của một nhóm người về những yêu cầu vô lý trên đây là có động cơ chính trị xấu, muốn kích động sự hận thù dân tộc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tốn bao công sức để hóa giải trong suốt gần nửa thế kỷ qua để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Cái “đường băng” hay con đường mà các vị nghĩ ra chỉ là muốn đưa dân tộc ta trở lại thời kỳ “địa ngục trần gian”, “là vực thẳm và tại họa”. Trước thềm Đại hội XII của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta luôn nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái này./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

0 thoughts on ““Đường băng” hay “Vực thẳm”

  • 16 Tháng Chín, 2015 at 8:25 sáng
    Permalink

    Bài viết có cơ so lý luận, thực tiễn và có tính thuyết phục nguoi doc

    Reply
  • 16 Tháng Chín, 2015 at 10:06 chiều
    Permalink

    Cần tiếp tục đánh bịa mọi mưu đồ của bọn người xấu, nhất là bọn “ba que xỏ lá”, luôn nuôi mưu đồ chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất dân tộc. Nhân Văn Việt viết hay lắm.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.