Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn phát biểu: “Kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai…”. Tại buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Hải Phòng ngày 3-8-2016, Thủ tướng một lần nữa khẳng định và cam kết quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.
Sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trên đây, để chúng ta tiếp tục khẳng định rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ phủ nhận tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, ngược lại còn xem đây là quốc nạn cần phải tiêu diệt, loại trừ. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã bắt tay quyết liệt thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng bằng việc đưa ra tòa nhiều cá nhân làm thất thoát lớn tài sản của quốc gia. Rất nhiều đại án về tham nhũng đã và sẽ được đưa ra xét xử. Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2015, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can; thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước trên 103 tỷ đồng và 2.887m2 đất. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ/806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ/697 bị can; tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về tội danh này. Riêng quý II-2016, có 4 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 2 người, xử lý hình sự 2 người; phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý điều tra 148 vụ, 354 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng…
Trong cuộc họp đầu tháng 10/2016, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, như các vụ án: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; “Tham ô tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin…
Như vậy, với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng và thực hiện phương châm: “không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất ra khỏi đời sống xã hội, không để tham nhũng cản trở đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của chúng ta./.