“Liên minh quân sự” – nên hay không? (Kỳ hai)
Liên minh quân sự – có phải là giải pháp tối ưu của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền hiện nay?
Trong lý luận quân sự nói chung, khái niệm “liên minh quân sự” là một vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mọi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, việc liên minh hay không liên minh quân sự, liên minh với ai, lúc nào thì liên minh, liên minh như thế nào, để làm gì và liên minh đến đâu thì phụ thuộc nhiều yếu tố, cả khách quan, chủ quan của từng thời kỳ lịch sử, tương ứng với từng quốc gia, dân tộc cụ thể và đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào chính sách quốc phòng cũng như những mối nguy, đe dọa đến lợi ích của nước đó. Không hề có cái gọi là “bắt buộc phải liên minh quân sự” giữa các nước.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một điển hình cho việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta cũng tiến hành liên minh với quốc gia, dân tộc khác để cùng chống lại kẻ thù chung và xem đây là một trong những phương thức để bảo vệ Tổ quốc trong những thời điểm nhất định. Điển hình như liên minh giữa ta với các nước Chămpa, Lâm Ấp, Chân Lạp (Campuchia) và Kim Lân (Malaysia) trong khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống quân Đường (năm 722); liên mình chiến đấu Việt – Lào – Campuchia cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp, Mỹ xâm lược… Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với tận dụng, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược; cân bằng tối đa trong quan hệ với các nước lớn, thực hiện tốt vai trò “là bạn”, là “đối tác tin cậy”… là những bài học kinh nghiệm quý báu của dân tộc ta, trở thành một trong những yếu tố căn bản, đảm bảo cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Nhìn lại lịch sử, trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, một số nước lớn đã lợi dụng nước ta để thỏa hiệp, mặc cả với nhau vì lợi ích chiến lược cũng như lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ. Thậm chí, có những giai đoạn lịch sử, ngay cả một số nước XHCN anh em có sự viện trợ quân sự cho ta, cũng có những động thái chi phối, tác động đến cách đánh, phương thức tác chiến của quân đội.
Việt Nam có vị trí địa – chính trị hết sức quan trọng, trong đó, Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo án ngữ một trong những tuyến hàng hải huyết mạch và nhộn nhịp vào bậc nhất, nhì thế giới. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Chỉ đến khi có sự thỏa hiệp, bật đèn xanh của một số nước lớn, chế độ Việt Nam Cộng hòa mới để mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vào tay các thế lực ngoại bang. Đó chính là bài học nhãn tiền về việc tham gia “liên minh” nhưng lại bị chính đồng minh “bán rẻ” và hậu quả của nó vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới với nhiều mức độ (như đối tác chiến lược, đối tác toàn diện),… Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, thế và lực của ta đã khiến nhiều nước lớn muốn được hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Những biện pháp khéo léo, vừa cương quyết, vừa mềm dẻo của Việt Nam xung quanh vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, vụ giàn khoan HD – 981, hay vụ việc ở bãi Tư Chính gần đây,… đã chứng tỏ sự đúng đắn trong đường lối ngoại giao và xử lý các vấn đề trên Biển Đông của chúng ta.
Hiện nay, chủ trương của Việt Nam là thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cần chú ý rằng, Việt Nam chưa bao giờ đề cập hoặc có chủ trương phải tham gia “liên minh quân sự” hoặc dùng “liên minh quân sự” để bảo vệ Tổ quốc; không lựa chọn “liên minh quân sự” không có nghĩa là không phát triển quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh, mà trái lại, phải mở rộng hợp tác hơn nữa, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Và sự hợp tác đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn, thống nhất chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, ngoài ra không có mục đích nào khác.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử, xem xét đường lối bảo vệ Tổ quốc, cho thấy: việc tìm kiếm, tham gia các “liên minh quân sự” không phải là giải pháp tối ưu, có hiệu quả trong bối cảnh quốc tế và đặc điểm của Việt Nam hiện nay. Còn trong tương lai, nếu độc lập dân tộc, lợi ích và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc bị xâm phạm, thì vấn đề liên minh quân sự như trong lịch sử đã có, hoàn toàn có thể diễn ra. Cho nên, những ý kiến “tư vấn” cho rằng lúc này Việt Nam phải thiết lập, tham gia “liên minh quân sự” bằng cách bắt tay với quốc gia nào đó để “giữ lấy Biển Đông”,… là không phù hợp nếu không muốn nói là cực kỳ phản động, trái ngược với đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác, cùng phát triển mà Việt Nam kiên trì theo đuổi. Thực chất, đây là một âm mưu và thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, núp bóng dưới vỏ bọc “yêu nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ”,… cần phải đấu tranh, vạch trần. Mục đích của những ý kiến lạc lõng đó, không gì khác là nhằm đẩy Việt Nam vào vòng xoáy chạy đua vũ trang, giảm thiểu cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế, làm phức tạp và rối ren thêm tình hình, từ đó tạo điều kiện cho các thế lực nước ngoài dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng ta cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh, phản bác loại bỏ những luận điệu ấy ra khỏi cuộc sống, kiên quyết không để lòng yêu nước bị các thế lực thù địch lừa gạt, lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc./.
Pingback:“Liên minh quân sự” – nên hay không? (Kỳ hai) |