Lòng hận thù không thể hòa hợp, hòa giải dân tộc

Cứ đến dịp cả nước ta vui mừng chào đón và kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4/1975 – Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… thì đâu đó lại xuất hiện những lời lẽ, giọng điệu lạc lõng, xuyên tạc, bịa đặt và phủ nhận về ngày chiến thắng lịch sử vẻ vang này của cả dân tộc.

Những người có giọng điệu này thường có những động cơ chính trị hết sức khác nhau, nhưng nhìn chung thì không đại diện được cho ý chí và quyền lợi chung của dân tộc Việt Nam. Họ thường xuất phát từ lòng thâm thù đã có trong lịch sử của gia tộc, gia đình mình trong quá khứ không tốt đẹp gì với đồng bào ruột thịt của mình. Một trong những con người đó là Nguyễn Gia Kiểng, hiện là thường trực ban lãnh đạo của cái gọi là Tập hợp Dân chủ Đa nguyên – một tổ chức chính trị phản động người Việt ở Pháp, được thành lập vào năm 1982 bởi một nhóm trí thức của chế độ “Việt Nam Cộng hòa” trước đây.

Mặc dù luôn “trưng diện” khẩu hiệu “hòa hợp và hòa giải dân tộc”, chủ trương “cách mạng bất bạo động”… nhưng tổ chức này lại rất phản động về chính trị, chủ trương lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, thủ tiêu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận và đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để thực hiện mục đích chính trị đen tối đó, tổ chức này và cá nhân Nguyễn Gia Kiểng không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả xuyên tạc lịch sử, đổi trắng thay đen, bôi nhọ những giá trị lịch sử, chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam để quy kết và đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam, vu cáo và xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền lôi kéo quần chúng nhân dân chống phá Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Riêng với Chiến thắng 30/4/1975, Nguyễn Gia Kiểng đã coi đó là ngày “quốc hận” của cả dân tộc; coi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu mới giành được là “không cần thiết”, là “nội chiến huynh đệ tương tàn”. Theo Kiểng nguyên nhân của vấn đề đó là “do Đảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi mục tiêu áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên cả nước mở rộng thêm thế lực của phong trào cộng sản”; là “do chủ nghĩa Mác – Lênin chủ trương theo đuổi và thực hành đấu tranh giai cấp”… Kiểng còn ca ngợi thực dân Pháp những người chủ trương thực hiện “sự bình quyền giữa con người thuộc mọi chủng tộc” và coi đế quốc Mỹ là người chủ trương “tìm kiếm đối tác chứ không tìm thuộc địa” sau thế chiến thứ hai…

Thật đau lòng và buồn thương cho Nguyễn Gia Kiểng, người đã “gần đất xa trời” và cũng từng là “một người của phía bên kia”, trực tiếp tham gia ngăn cản cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất dất nước, đến cuối đời rồi mà không mở mắt ra được để hiểu được một điều hiển nhiên từ những câu hỏi hết sức phổ thông từ lịch sử mà ai cũng biết, kể cả học sinh phổ thông Việt Nam cũng như học sinh của các nước Pháp, Mỹ rằng: Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ nhất ngày nào? Trả lời: Ngày 1/9/1858; Đế quốc Mỹ chính thức đổ quân xâm lược Việt Nam ngày nào? Trả lời: ngày 8/3/1965… Kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược Việt Nam thì đất nước ta bị dần chia cắt thành 03 kỳ (Bắc, Trung, Nam), đất nước bị đô hộ, nhân dân bị áp bức, dân tộc bị tước hết mọi quyền cơ bản. Cũng từ đó mà nhân dân ta liên tục nổi lên đấu tranh tự giải phóng, và tiến hành một cuộc đấu tranh trường kỳ nhằm mục tiêu độc lập dân tộc. Nhưng hầu hết các cuộc đấu tranh đó đều thất bại, mà nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu là không có đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc đúng đắn, và bên cạnh đó có một bộ phận người Việt phản bội lại quyền lợi của nhân dân, đất nước và dân tộc, can tâm làm tay sai của thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ, như kiểu một số người có lịch sử gia đình và bản thân họ như ông Kiểng vậy.

Khỏi phải nói về tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với đồng bào ta, chỉ cần nói đến những người như gia đình ông và bản thân ông đã cố tình ngăn cản chủ trương hòa hợp, hòa giải ngay từ những ngày đầu nhân dân ta vùng lên giải phóng đất nước trong Cách mạng Tháng Tám 1945 dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như lời hiệu triệu đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh để cùng chống thực dân Pháp quay lại xâm lược một lần nữa… thì làm sao có thể phải tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc suốt 30 năm sau đó được? Bên cạnh sự chủ đích xâm lược Việt Nam của Pháp và của Mỹ, thì chính những người như Nguyễn Gia Kiểng và bè lũ phản dân hại nước như Ngô Đình Diệm… là một nhân tố cản trở lớn lao nhất đối với sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhất là trong những năm 1954 – 1956. Chính các ông không chỉ ngăn cản mà còn là nhân tố củng cố thêm dã tâm xâm lược Việt Nam của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

 Mỗi nghĩa trang liệt sĩ, mỗi di tích, chứng tích lịch sử trên đất nước này còn khắc ghi tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đối với đồng bào ta và đất nước Việt Nam ta, trong đó có một phần tội ác của các ông đối với đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc. Và chính các ông cũng là tác nhân gây ra sự đổ máu vô nghĩa của những người con yêu thương của nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, đã bị lừa bịp và lôi kéo dưới những ngọn cờ “khai hóa văn minh”, “trợ giúp đồng minh” của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và Chiến thắng 30/4/1975 đều có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, mà Pháp và Mỹ là một trong những nước trực tiếp gây nên ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của nó là sự bành trướng, xâm lược, thôn tính các dân tộc nhỏ yếu làm thuộc địa, phục vụ tham vọng không bao giờ chấm dứt của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa độc quyền nhà nước của giai cấp tư sản và giới tài phiệt đã trở thành một thế lực hùng mạnh trên thế giới suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay.

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và Chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam cũng bắt đầu từ những điều hết sức sơ đẳng rằng, ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh; ở đâu có cường quyền, chà đạp lên lương tri, phẩm giá, đạo lý, nhân quyền thì ở đó nảy nở, nuôi dưỡng và phát triển những tư tưởng cao đẹp của con người, mà đỉnh cao của nó là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá và phát triển ở Việt Nam cũng chỉ là hệ quả tất quả tất yếu của tinh thần yêu nước chân chính của nhân dân Việt Nam. Sự đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam thành công rực rỡ cũng chính là nhờ những lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dẫn dắt, soi đường và chỉ lối.

Lợi dụng và núp bóng dưới những ngôn từ khẩu hiệu mỹ miều; xuyên tạc lịch sử, hạ thấp ý nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975… để từ đó lôi kéo, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, chính là bản chất của những người như Nguyễn Gia Kiểng. Bản chất “thâm căn cố đế” trong tư tưởng của Nguyễn Gia Kiểng là không có sự “hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Cái gọi là thương cảm của ông cho mất mát của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng này chỉ là thương cảm theo lối “nước mắt cá sấu” mà thôi./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.