Một kịch bản ngây thơ về chính trị
Vừa qua, trên các trang mạng xã hội, các phần tử phản động, cơ hội về chính trị đua nhau hiến kế để thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mỗi người một vẻ, ai cũng mong muốn chứng minh ý tưởng của mình có tính khả thi, chứng tỏ mình là người am hiểu tình hình, có đầu óc nhìn xa trông rộng, có ý chí và bản lĩnh của một chiến lược gia tài năng. Trong số các ứng viên sáng giá đó có tác giả Thanh Tôn, với ý tưởng “Tự diễn biến – lối thoát duy nhất, cuối cùng cho Đảng Cộng sản Vn”.
Sau khi Thanh Tôn ra sức phê phán không thương tiếc Đảng Cộng sản Việt Nam, với những lời lẽ rất cay độc, hằn học và phóng đại, vu cáo, xuyên tạc sự thật, tác giả Thanh Tôn đã đi đến kết luận, cho rằng hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đang ở trong mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn, ý Đảng và lòng dân không còn gặp nhau nữa. Lỗi là do Đảng Cộng sản Việt Nam gây nên, Đảng đặt lợi ích của mình lên trên hết, trong khi lòng dân thì lại luôn hướng về và đòi hỏi cao nhất là chủ quyền, độc lập, phát triển cho quốc gia, và tự do bình đẳng, an toàn cho toàn dân tộc.
Theo tác giả Thanh Tôn, mâu thuẫn này hiện nay là không thể hàn gắn, điều chỉnh được, bởi mục đích của dân và Đảng trái ngược nhau. Theo cách suy diễn của Thanh Tôn thì còn Đảng cộng sản Việt Nam thì đất nước, dân tộc không thể phát triển được, nhân dân không thể ấm no, hạnh phúc được. Vì thế, để tìm ra lối thoát cho dân tộc Việt Nam, cho Đảng và nhân dân Việt Nam, tác giả Thanh Tôn đã dày công suy nghĩ, trăn trở, dự báo tình hình của Việt Nam trong những năm tới, nhằm tìm kiếm một giải pháp khả thi để giải quyết mâu thuẫn đối kháng, một mất, một còn giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Sau khi đưa ra 2 kịch bản. Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu nhượng bộ với dân, tiếp tục khủng bố, đàn áp nhân dân (cách dùng từ của Thanh Tôn) thì nguy cơ đổ máu, hận thù sẽ tăng lên, Đảng sẽ mất kiểm soát tình hình, nội bộ chia rẽ, hỗn loạn xã hội, nội chiến ngoại xâm, vân vân và vân vân. Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tự diễn biến, để tránh những nguy cơ như đã nêu ra ra ở kịch bản thứ nhất, để ý Đảng lòng dân nhanh chóng được hòa hợp, xích lại gần nhau, không còn là mâu thuẫn đối kháng nữa, không còn là chuyện một mất một còn, Đảng còn thì dân tộc diệt như hiện nay. Tác giả Thanh Tôn cho đây là lối thoát duy nhất, cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam!
Để làm rõ hơn ý tưởng của mình, Thanh Tôn phân tích sâu hơn cơ sở lý luận, thực tiễn của kịch bản này. Tác giả cho rằng: Đảng tự diễn biến tức là Đảng phải lấy lòng dân làm ý Đảng, Đảng đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên chủ nghĩa Mác- Lênin, lên trên sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của mình (mà tác giả gọi là sự thống trị) từ bỏ mục tiêu lý tưởng của mình (mà tác giả gọi là đặc quyền, đặc lợi).
Đồng thời, tác giả Thanh Tôn còn phân tích sâu sắc hơn điều kiện để Đảng tự diễn biến. Tác giả lập luận rằng, cứ để tự nhiên thì Đảng chẳng tự diễn biến đâu, khó lắm. Vấn đề mấu chốt mà tác giả đề xuất đó là dân phải tạo sức ép đủ mạnh với Đảng. Tạo sức ép bằng cách nào, tác giả Thanh Tôn gợi ý là dân phải thể hiện qua báo, đài, bất tuân dân sự, bất hợp tác, biểu tình… vân vân và vân vân. Tức là tác giả Thanh Tôn xui nhân dân ta gây sức ép, để Đảng tự diễn biến thông qua các hình thức chống Đảng, gây hỗn loạn xã hội. Tác giả Thanh Tôn không quên kêu gọi nhân dân ta thời cơ đã đến, hãy cùng nhau nắm bắt thời cơ, nhanh chóng tạo ra được sức ép để Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải tự diễn biến thật nhanh chóng trong hòa bình, và khẳng định lại một lẫn nữa đó là lối thoát duy nhất, cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước khi tất cả đều đã là quá muộn!
Thanh Tôn quả không hổ danh là một nhà lý luận hoang tưởng, đã tưởng tượng ra một kịch bản vô cùng phản động, chỉ tiếc rằng kịch bản quá ngây thơ về chính trị, do được tư duy dựa trên tư tưởng phản động về chính trị, một sự hạn hẹp về nhãn quan chính trị của tác giả Thanh Tôn. Nhân dân Việt Nam chẳng bao giờ lại tin theo một kịch bản ngây thơ về chính trị như vậy đâu. Thật là uổng công của tác giả Thanh Tôn. Rất lấy làm tiếc về điều này.