Một sự đánh tráo bản chất

Việt Anh

Trong bài viết Hiện tượng nào thì bản chất nấy, tác giả Nguyễn Vũ Bình đã lập luận rằng nếu đánh giá sự vật, hiện tượng theo phương pháp tiếp cận “tương quan bản chất và hiện tượng” thì “Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo đất nước, đã liên tiếp đưa nhân dân và đất nước vào hết thảm họa này tới thảm họa khác. Và điều này chứng minh về bản chất là vô cùng xấu xa, tàn bạo chứ hoàn toàn không phải bản chất tốt đẹp”.

Sau khi nêu lên một số sự kiện để chứng minh, tác giả bài viết rút ra kết luận: “Như vậy, trong suốt chiều dài cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã tạo ra vô số và liên tục những thảm họa cho người dân và đất nước”.

Qua lập luận của tác giả, có thể nói đây là một sự ngụy biện, đánh tráo bản chất. Trước hết là các con số, sự kiện được tác giả trích dẫn không có nguồn gốc rõ ràng, hoặc ở những nguồn do các nhân vật thù địch đưa ra, xuyên tạc, bịa đặt, nhằm phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu phản động, sai trái, không đáng tin cậy.

Về chỗ đứng, điểm xuất phát để xem xét các hiện tượng là tác giả đứng trên lập trường đối lập với lợi ích của dân tộc và của nhân dân. Khi tác giả cho rằng chúng ta “cưỡng chiếm miền Nam”, gây ra các cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, Quảng Trị năm 1972, “bắt giam”, “đày đọa” các cán, binh Việt Nam cộng hòa tức là tác giả đã đứng về phía kẻ xâm lược và tay sai để xem xét các hiện tượng nói trên. Nếu tác giả đứng trên lập trường lợi ích của dân tộc và của nhân dân, thì chắc sẽ nhìn thấy sự thật lịch sử là từ 1954 đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, can thiệp vào miền Nam, tráo trở, không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng hòa. Chúng đàn áp cách mạng, lê máy chém đi khắp miền Nam. Mỹ đưa hơn nửa triệu quân vào xâm lược miền Nam gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc. Và do đó cuộc chiến tranh cách mạng để giải phóng miền Nam là tất yếu. Các chiến dịch Mậu Thân, Quảng Trị… là các chiến dịch trong cuộc chiến tranh cách mạng đó.

Khi tác giả cho rằng “cải cách ruộng đất”, “phong trào đánh tư sản” là đàn áp, là cướp bóc, tức là tác giả đã đứng về phía các giai cấp địa chủ, tư sản áp bức, bóc lột nhân dân lao động để đánh giá các sự kiện. Nếu tác giả không cố tình bỏ qua một vài sự kiện khác như sự kiện hơn 2 triệu người dân Việt Nam chết đói năm 1945 do chính sách xâm lược, bóc lột của bọn thực dân và phong kiến gây ra…thì sự kiện cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản, cả đổi tiền…là những biện pháp cải tạo cách mạng tất yếu. Ngay cả vấn đề cải tạo ngụy quân, ngụy quyền bằng hình thức học tập, cải tạo đã được thực hiện mà không hề có “tắm máu” như luận điệu của bộ máy tuyên truyền phản động.

Khi tác giả cho rằng “ nhà cầm quyền Việt Nam đã để mất đất đai, và một phần biển Đông rơi vào tay Trung Quốc’ là tác giả đã cố tình xuyên tạc thực tiễn lịch sử, giả danh người yêu nước để mục đích chống đối chế độ. Sự thật lịch sử cho thấy, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm khi Quân đội Việt Nam cộng hòa đang quản lý của chế độ Việt Nam cộng hòa, trong điều kiện có sự thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ. Quần đảo Trường Sa trước lúc giải phóng miền Nam (30/4/1975) chế độ Sài Gòn chỉ quản lý được 5 đảo. Trong lúc đó và hiện nay, chúng ta đang đóng giữ 21 đảo, bãi đá ngầm (có 9 đảo nổi, 33 điểm đứng chân và 15 nhà giàn). Từ đó đến nay chúng ta chưa để mất đảo nào.

Qua sự phân tích trên, có thể thấy, tác giả bài viết đã sử dụng phương pháp luận triết học từ hiện tượng để rút ra bản chất, nhưng đã ngụy biện để rút ra cái đối lập với bản chất. Rõ ràng, đây là sự đánh tráo bản chất một cách trắng trợn. Những người đứng về phía kẻ xâm lược, tay sai, những kẻ áp bức, bóc lột nhân dân ta như tác giả bài viết không có tư cách để đánh giá bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.