Mưu đồ của những kẻ xuyên tạc lịch sử
Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ trọng đại trong năm 2015 thì một số người yêu cầu đòi xem xét, thậm chí cố tình xuyên tạc, bóp méo bản chất các sự kiện lịch sử cách mạng Việt Nam.
Họ là ai? Họ hành động như vậy nhằm mục đích gì? Hành động đó vì đất nước hay phản đất nước? Trả lời cho những câu hỏi trên không khó, nếu không muốn nói hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói lại, vạch mặt, chỉ tên những con người này để mọi người cảnh giác về mưu đồ thâm độc của những kẻ đã “bán linh hồn cho quỷ dữ”. Trước hết, gồm một số đối tượng là người Việt Nam từng làm việc cho chính quyền ngụy Sài Gòn đã trốn chạy theo làn sóng di tản từ trước và sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 bởi sự tuyên truyền xuyên tạc về một cuộc “thảm sát đẫm máu” từ “Cộng sản Bắc Việt” của các thế lực thù địch. Những người một thời làm tay sai cho kẻ thù xâm lược chống lại dân tộc và nay vẫn mang nặng tâm lý hận thù, nuôi quyết tâm chống cộng đến cùng. Số khác lại gồm những người sinh ra, lớn lên trong chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhưng vì ngộ nhận, trót ăn trái đắng của các thế lực thù địch, hoặc đã “nhúng chàm” dẫn tới bất mãn, thoái hóa biến chất. Và đáng buồn là, trong số này còn có cả một số ít người từng là cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ được Đảng, Nhà nước ta đào tạo, sử dụng, được nhân dân nuôi dưỡng. Họ bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, tâng bốc thành những “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà cải cách”, “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam. Lợi dụng sự phát triển của hệ thống truyền thông như internet, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại, họ thường xuyên tung ra các luận điệu sai trái để “bắn” vào lịch sử dân tộc, nhất là những sự kiện, những thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ sử dụng nhiều luận điệu, lời lẽ khác nhau, kẻ thì “lập lờ đánh lận con đen”, lươn lẹo, tinh vi; kẻ thì hằn học, trắng trợn, bỉ ổi; lại có cả những người nêu vấn đề một cách nhẹ nhàng, tưởng như mang tính xây dựng “nên xem xét lại” sự kiện này, sự kiện kia, nhưng ẩn sau đó mưu đồ hết sức thâm hiểm. Tựu trung, mục đích không có gì khác là làm lung lạc nhận thức, tư tưởng, hạ thấp ý nghĩa lịch sử, gây nghi ngờ, chia rẽ trong nhân dân, tiến tới phủ định sạch trơn những thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã giành được và phải trả giá bằng máu thịt của mình.
Về thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám, có kẻ đã xuyên tạc trắng trợn sự thật và cho rằng “Cách mạng Tháng Tám chỉ là hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”. Thực tế có phải vậy không? Họ quên hay cố tình lờ đi Lời kêu gọi của Ủy ban Quân sự Bắc kỳ ngày 01-07-1945, đã nêu vắn tắt tình hình lúc đó: “Tiếng súng du kích kháng Nhật đang nổ kịch liệt. Phong trào du kích đang lan tràn ra các tỉnh thượng du và trung du Bắc kỳ. Quân du kích của ta đã làm chủ nhiều nơi, (…). Các tầng lớp nhân dân, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương kề vai sát cánh đánh đuổi thù chung”[1]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các địa phương; nhân dân trực tiếp cử những người có uy tín, năng lực lãnh đạo cách mạng tham gia Ủy ban kháng chiến. Từ ngày 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội ra Nghị quyết hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể, tổ chức, lực lượng đoàn kết phấn đấu thi hành mười điều của cách mạng. Trong đó, Điều 1 của Nghị quyết xác định: giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Nghị quyết còn nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập”[2]. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng, tạo và chớp thời cơ cách mạng tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện đó còn khiến Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến phải ngỡ ngàng thốt lên rằng: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước thuộc địa”. Đó là sự thật lịch sử. Vậy mà theo cách nói của những kẻ chống đối thì những sự kiện trên như thể tự nhiên mà có, hiển nhiên “từ trên trời rơi xuống”, còn Đảng ta thì không hề có vai trò gì. Đó là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, lố bịch!
[1] Văn kiện Quân sự của Đảng (từ 1930 dến tháng 8-1945), Nxb QĐND, H. 1969, Tr. 297
[2] ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, Tr. 526
Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử vẻ vang, những trang sử vẻ vang của dân tộc trong dựng nước và giữ nước đã được viết bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức và xương máu của bao nhiêu thế hệ. Do đó nếu là người có lương tâm thì ai cũng tự hào và quý trọng những trang sử đó. Còn những kẻ xuyên tạc, quay lưng lại với lịch sử thì chỉ có những kẻ vô ơn, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa thì mới dám làm như vậy.