Mưu đồ lợi dụng tôn giáo, dân tộc kích động ly khai, tự trị

Lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, cùng những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành xã hội của chính quyền cơ sở ở một số địa phương, các thế lực thù địch cùng những phần tử dân tộc cực đoan, cơ hội trong và ngoài nước đã ráo riết kích động đồng bào các dân tộc thiểu số đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”; “Nhà nước Tin lành Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”, hướng tới ly khai, tự trị. Chúng cũng tìm mọi cách để tập hợp, tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong các dân tộc, các tôn giáo hoạt động chống phá cách mạng, như: truyền đạo trái phép để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc, lôi kéo, tranh giành đồng bào dân tộc, gây đối trọng với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Vậy thủ đoạn và sự nguy hiểm của âm mưu này là gì? Đó là kích động lòng hận thù dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ tôn giáo. Đây là những thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Chúng ta cần tỉnh táo xem xét, nhận diện cho rõ những âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm đó.

 Cần nhận thức rõ rằng Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa được Thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết số 61/295 ngày 13/9/2007, có phần mở đầu và 46 Điều. Nội dung chính của Tuyên ngôn này có thể khái quát qua một số điểm sau đây:

– Khẳng định các dân tộc bản địa bình đẳng với tất cả các dân tộc khác, đồng thời công nhận quyền của tất cả các dân tộc được khác biệt, được xem dân tộc mình là khác biệt, và được tôn trọng với sự khác biệt đó,

– Khẳng định tất cả các dân tộc đóng góp vào sự đa dạng và giàu có của những nền văn minh và văn hóa, tạo nên di sản chung của loài người,

– Mọi định chế, chính sách và các hoạt động dựa trên hay cổ vũ cho sự phân biệt giữa các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa là phân biệt chủng tộc, sai lầm về khoa học, không được chấp nhận về pháp lý, sai trái về đạo đức và bất công về xã hội,

– Công nhận và tôn trọng kiến thức bản địa, văn hóa và truyền thống sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và bình đẳng cũng như quản lý môi trường hợp lý.

– Ghi nhớ rằng không một điều nào trong Tuyên ngôn này được sử dụng để từ chối quyền tự quyết của bất cứ dân tộc nào, tuân thủ theo công pháp quốc tế,

Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng bản Tuyên ngôn này để kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như trong các tôn giáo ở nước ta bằng cách đã cát xén, góp nhặt các ý từ các Điều trong Tuyên ngôn, lấy nó làm cớ để tự lập ra Nhà nước theo ý muốn chủ quan của họ.

Chẳng hạn tại Điều 3: Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Trên tinh thần đó họ có quyền tự do quyết định tình trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa; Điều 4: Các dân tộc bản địa, trong khi thực hiện quyền tự quyết, có quyền tự trị hoặc tự điều hành nhà nước trong những vấn đề quan hệ nội bộ và địa phương, cũng như các phương thức và hình thức tài trợ cho các hoạt động tự trị của mình và Điều 26: Các dân tộc bản địa có quyền với đất đai, lãnh thổ và các tài nguyên mà theo truyền thống họ sở hữu, sinh sống hoặc đã sử dụng hoặc có được nhờ các phương thức khác. Các dân tộc bản địa có quyền sở hữu, sử dụng, phát triển và kiểm soát đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên mà họ có được do sở hữu truyền thống hoặc đã sinh sống hoặc sử dụng theo truyền thống, cũng như có được nhờ các phương thức khác. Nhà nước cần công nhận về mặt pháp lý và bảo vệ những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên này. Sự công nhận này cần được tiến hành với sự tôn trọng đầy đủ về phong tục, truyền thống và hệ thống sở hữu đất đai của các dân tộc bản địa có liên quan./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.