Nhà nước mang bản chất giai cấp

Cay cú và thất bại trong tuyên truyền chống phá Đại hội XII của Đảng, những người có tư tưởng đối lập và bất mãn với chế độ xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) ở nước ta lại bày trò chống phá cuộc Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Một trong những vấn đề chống phá của họ là bài bác và phủ nhận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nhận định bừa bãi rằng: “không có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”!.

Để bảo vệ cho cái nhận định thiếu căn cứ, sai trái và phản động đó, họ đưa ra một mớ hỗn tạp lý thuyết về pháp quyền tư sản mà ngay cả những chính trị gia tư sản cũng không thể hiểu nổi. Họ nói rằng, trong nhà nước pháp quyền tư sản thì: “Luật pháp trở thành tài sản duy nhất của chế độ, là một hệ thống trung tính, phi chính trị và phản ánh ý chí chung của cộng đồng”; “Trong nhà nước pháp quyền, cơ quan duy nhất có tính chính trị, mang tính đảng là bộ máy Chính phủ, nhưng nó chỉ là luân phiên”, v.v..

Thật đúng là nực cười với cách lý giải đó của những người chuyên bịa truyện và đặt điều để bôi xấu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khi mà ngay cả họ không hiểu chút nào về luật pháp các nước tư sản lẫn luật pháp của Việt Nam. Sự sai trái và bịa đặt của họ thể hiện trên các vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, bất cứ nhà nước nào cũng là công cụ thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác; không có nhà nước nào là của tất cả mọi người, tầng lớp trong xã hội. Lịch sử nhân loại đã cho thấy, nhà nước sinh ra trước hết là xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền lợi của giai cấp, tầng lớp thống trị trong xã hội. Tất cả các chức năng và công cụ của nó đều nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp đã sinh ra nó. Từ luật pháp đến các thiết chế xã hội, nghị viện, chính phủ, tòa án, quân đội, cảnh sát và nhà tù… đều là công cụ để duy trì trật tự xã hội theo ý chí của giai cấp cầm quyền, đè nén, tước đoạt và đàn áp các giai cấp, tầng lớp có lợi ích đối kháng với nó. Vì vậy, đã nói đến nhà nước và pháp luật là nói đến chính trị, và chính trị không cái gì khác hơn là mối quan hệ quyền lực nhà nước và giữa các giai cấp đối kháng với nhau. Tất thảy mọi điều mà Hiến pháp và luật pháp của bất cứ nhà nước nào cũng đều là sự thể hiện ý chí chính trị của giai cấp cầm quyền và thống trị. Hiến pháp và luật pháp của nhà nước tất yếu không phải là luật pháp của những giai tầng đối kháng với giai cấp thống trị, mà thực sự là công cụ để điều chỉnh và bắt các giai cấp bị trị phải tuân theo.

Từ những nhà nước dân chủ chủ nô đến nhà nước dân chủ tư sản cho thấy, nhà nước và pháp luật của nó đều là sự phản ánh những quy định về quyền lực nhà nước thuộc về những giai cấp thống trị và bóc lột, không phải là của chủ nô, địa chủ, quý tộc thì là của giai cấp tư sản mà thôi. Không có người nô lệ, nông nô nào đến người nông dân và công nhân nào – tầng lớp đa số người và nhiều nhất trong xã hội – được coi là “công dân” theo đúng nghĩa mà pháp luật của các nhà nước ấy cho phép. Họ không chỉ là những “công cụ biết nói”, bị mua bán như những gia xúc, đồ vật khác, thì cũng chỉ là những “culy” bị bóc lột đến xương tủy mà thôi… Nói về và nhà nước và pháp quyền mà không thấy và không đả động đến bản chất chính trị của nhà nước thì chỉ là: 1) Sự ngu dốt về chính trị và văn hóa nhân loại; 2) Sự lừa bịp, mị dân và là kẻ tôi đòi, bồi bút của giai cấp thống trị, bóc lột mà thôi.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa và pháp luật của nó cũng như mọi nhà nước khác trong lịch sử. Chỉ có điều khác hẳn là ngôi vị chủ nhân của nhà nước và toàn quyền chính trị và pháp lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã thuộc về nhân dân lao động, mà nòng cốt là giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Còn những kẻ bị trị ở đây tất yếu là những kẻ áp bức, bóc lột trước đây và những kẻ âm mưu quay lại phục hồi chế độ áp bức, bóc lột đó. Hiến pháp và luật pháp của nó thể hiện rõ tính chính trị ở xác định quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp những người lao động; mối quan hệ giai cấp trong nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện sự bình đẳng giữa những người lao động với nhau, nhưng bất bình đẳng với kẻ áp bức, bóc lột và chống đối chế độ của giai cấp lao động.

Cái lôgic lịch sử, chính trị – pháp lý tất yếu đó cho thấy: 1) Không có một thứ chính trị nào trong bất cứ nhà nước nào là bình đẳng với kẻ bị trị; 2) Không có một nhà nước và luật pháp của giai cấp nào là không mang tính chính trị… Theo đó, nói rằng: “Luật pháp trở thành tài sản duy nhất của chế độ, là một hệ thống trung tính, phi chính trị, và phản ánh ý chí chung của cộng đồng” thì đúng là sự xuyên tạc lịch sử về nhà nước và pháp luật.

Hai là, nhà nước pháp quyền chỉ là một dạng nhà nước mà ở đó pháp luật được coi trọng, tôn trọng. Để tránh được sự chuyên chế và lạm quyền trong nhà nước phong kiến, quý tộc, những đại diện tinh túy nhất cho giai cấp tư sản đang hình thành dưới chế độ quân chủ đã đề xuất ra một loại hình mà ở đó pháp luật được đề cao, đó là nhà nước pháp quyền. Họ mong muốn những dấu hiệu chung nhất của nhà nước pháp quyền sẽ được thực hiện trong một xã hội mà giai cấp tư sản muốn mình là người làm chủ xã hội.

Tuy nhiên, từ khi ra đời đến nay rất nhiều nhà nước tư sản đã vứt bỏ những tư tưởng, giá trị pháp quyền đã chế định và trở thành nhà nước chuyên quyền, độc tài, đế quốc, phát xít và quân phiệt hơn cả các nhà nước quân chủ trước kia. Những giá trị, tư tưởng pháp quyền “tốt đẹp” đó, không phải ở đâu và khi nào ở các nhà nước tư sản cũng được đề cao. Đến nay, những ước muốn đề cao luật pháp trong một nhà nước còn có sự đối kháng về giai cấp và bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật… như các nhà nước tư sản hiện tại chỉ là sự hão huyền và là một sự sỉ nhục đối với những người đã khai sinh ra nó và các ước vọng tốt đẹp của người lao động. Họ sinh ra cái gọi là pháp quyền tư sản, đề cao nhà nước tư sản, đề cao luật pháp của giai cấp tư sản… thì tất yếu những thiết chế và công cụ pháp lý đó đã loại trừ mọi quyền bính của nhân dân lao động. Pháp luật tư sản là sự đối lập với quyền và lợi ích của nhân dân lao động.

Lo sợ trước xung đột giai cấp và cách mạng xã hội, để duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản, không có con đường nào khác hơn là họ ca ngợi và đề cao loại hình Nhà nước pháp quyền tư sản – một công cụ và một thủ đoạn chính trị hữu hiệu níu kéo sự tồn tại của mình. Họ nói tam quyền phân lập, nhưng các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của họ cứ “tam hành” với nhau: lập pháp chỉ đạo cho hành pháp ngày càng đè nén, áp bức bóc lột lao động hơn nữa; còn tư pháp thì ra sức phán quyết những quy định của lập pháp là sáng suốt và hành xử của hành pháp đúng đắn…

Từ khi ra đời đến nay, nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn coi trọng và đề cao luật pháp. Tuy nhiên, để cho nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng thể hiện rõ hơn trong đời sống xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, thì các nhà nước xã hội chủ nghĩa đã đề cao và coi trọng luật pháp bằng cách xây dựng nhà nước pháp quyền của mình. Theo đó, pháp quyền cũng chỉ là một hình thức, biện pháp để mọi chế độ nhà nước duy trì và quản lý xã hội bằng pháp luật mà thôi.

Vì những lý do đó, không thể nói “chỉ có nhà nước tư sản mới là nhà nước pháp quyền, còn nhà nước xã hội chủ nghĩa không phải là nhà nước pháp quyền”. Sự tất yếu về nhà nước và pháp luật đã cho thấy, đề cao pháp luật là nhu cầu của bất cứ chế độ nhà nước nào. Còn tính chất pháp quyền thế nào lại tùy thuộc vào tính chất của chế độ nhà nước ấy; rốt cuộc là phụ thuộc vào bản chất giai cấp đã sinh ra nhà nước đó… Lừa bịp nhân dân về bản chất của nhà nước và tính chất pháp quyền là thói quen của những kẻ mang nặng tư tưởng áp bức, mị dân và tôi đòi của giai cấp bóc lột xưa nay./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

5 thoughts on “Nhà nước mang bản chất giai cấp

  • 4 Tháng Tư, 2016 at 8:55 chiều
    Permalink

    Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đồng thời khẳng định nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó không chỉ mang tính nguyên tắc được khẳng định từ lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là kết luận chắc chắn được rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay. Vì vậy, không thể nói “chỉ có nhà nước tư sản mới là nhà nước pháp quyền, còn nhà nước xã hội chủ nghĩa không phải là nhà nước pháp quyền”. Đây là nhận định thiếu căn cứ, sai trái và phản động, chúng ta hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

    Reply
  • 4 Tháng Tư, 2016 at 10:17 chiều
    Permalink

    Bản chất của pháp luật thể hiện ở chỗ nó luôn mang tính giai cấp chứ không có pháp luật tự nhiên hay pháp luật không mang tính giai cấp. Bất cứ luận điệu nào muốn xây dựng một hệ thống pháp luật phi giai cấp ở Việt Nam thì hoặc là người không hiểu gì về chính trị, hoặc là những người cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước để thực hiện mưu đồ dơ bẩn của mình là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

    Reply
  • 5 Tháng Tư, 2016 at 7:10 sáng
    Permalink

    Nhà nước là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội. Pháp luật của bất kỳ nhà nước nào cũng thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Không thể có một pháp luật chung cho cả giai cấp bóc lột, thống trị và giai cấp bị trị, bị bóc lột. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho quần chúng nhân dân. Quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân mà chúng ta đang từng bước xây dựng là “thống nhất”, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Bản chất ấy bắt nguồn từ chỗ tất cả quyền hành đều thuộc về nhân dân không phân chia, xé lẻ cho bất cứ ai và được thể hiện ra ở nội dung, tính chất mục đích của quyền lực Nhà nước.

    Reply
  • 21 Tháng Tám, 2018 at 7:40 sáng
    Permalink

    Nhà nước là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác. Sự thống trị xét về mặt nội dung thể hiện ở ba mặt: kinh tế, chính trị, tư tưởng. Để thực hiện sư thống trị của mình, giai cấp thống trị phải tổ chức và sử dụng nhà nước để duy trì quyền lực kinh tế, chính trị và tư tưởng của mình đối với toàn xã hội. Bằng nhà nước và thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị và tư tưởng; ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành ý chí nhà nước, bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo. Nhà nước là bô máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác. Bất kĩ nhà nước nào cũng có những lực lượng đặc biệt được vũ trang như quân đội, cảnh sát,… Để bảo vệ địa vị thống trị và lợi ích của mình, giai cấp thống trị sử dụng những lực lượng đặc biệt đó đàn áp sự phản kháng của các giai cấp bị thống trị.

    Reply
  • 18 Tháng Sáu, 2019 at 8:28 sáng
    Permalink

    Không có một nhà nước nào lại không mang bản chất của một giai cấp nhất định.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.