Sự thật không thể phủ nhận
Anh Phương
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một số người tự xưng đại diện cho dân chủ, nhân quyền đã cố tình xuyên tạc thành quả 70 năm xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta. Họ cho rằng, 70 năm qua các “Đầy tớ” xây dựng chế độ “Cộng hòa chuối”!. Họ cổ súy cho chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phê phán chế độ một đảng cầm quyền “không thể nào vừa cai trị vừa kiểm tra, vừa đá bóng vừa thổi còi”, và cho rằng, điều đó dẫn đến sai lầm và có thể gây ra tội ác. Họ trắng trợn vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc những thành tựu kinh tế, chính trị – xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng, và cho rằng, Việt Nam là một xã hội mông muội kém phát triển. Sự thật thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển của nhân dân ta đã chứng minh một cách hùng hồn về kết quả thực hiện dân chủ, nhân quyền và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta.
Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là bảo thủ, mất dân chủ như những người tự xưng danh “dân chủ”, “nhân quyền” cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật vì hiện thực khách quan. Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải cứ có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền của nhân dân tự mình quyết định hoặc tham gia với nhà nước quyết định một số vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Dân chủ xã hội chủ nghĩa thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, bảo đảm cho nhân dân nắm và thực thi quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ.
Trên thế giới có nhiều nước theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng về bản chất vẫn có một đảng đại diện cho lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản và lực lượng ấy thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp mình. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau, đó là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực, điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển của xã hội. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội. Trong khi các nhà dân chủ giả hiệu ở Việt Nam lớn tiếng đòi xóa bỏ chế độ “đảng trị” thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng” theo kiểu phương Tây, thì nhà trí thức hàng đầu nước Mỹ Noam Chom-si-ky đã cảnh báo và vạch trần bản chất của đa nguyên, đa đảng: “đừng có ai nên ảo tưởng. Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng và các đảng cầm quyền là các đảng kinh doanh”. Thực tế cho thấy, ở những nước mà đa đảng đi kèm với đa nguyên chính trị là những nước có nền chính trị kém ổn định, thường diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế, mất ổn định chính trị, thậm chí lâm vào tình cảnh hỗn loạn xã hội. Thực tế bạo lực chính trị ở một số nước hiện nay đã chứng minh điều đó.
Thực tế Việt Nam chỉ ra rằng, quyền con người, quyền công dân của mọi cá nhân đã và đang được Nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật và thể hiện rõ trong thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Thế nhưng vẫn có những người cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành tựu dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với những luận điệu lạc lõng, vô căn cứ. Họ lờ đi sự kiện gần đây, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực (nhiệm kỳ 2008 – 2009) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ngày 12/03/2013 được Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 68) bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 – 2016) với số phiếu cao nhất.
Những ai quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền đều thấy rằng, dân chủ, nhân quyền có tiêu chí cơ bản chung mà mọi quốc gia đều phấn đấu thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sẽ có một “bản mẫu” có thể sao chép, so sánh, áp dụng với mọi quốc gia. Bởi lẽ, mỗi nước có một hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội, trình độ kinh tế, tập quán, truyền thống văn hóa… khác nhau. Sự áp dụng, so sánh về dân chủ, nhân quyền một cách máy móc là khiên cưỡng, lố bịch. Ngay như ở Mỹ- nước tư bản phát triển hàng đầu, luôn tự xưng là thực hiện tốt dân chủ, nhân quyền nhưng vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng có rất nhiều bất ổn. Cựu tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã cho rằng, đến nay thành tích của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền vẫn chưa hoàn hảo… Còn đương kim tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma thừa nhận: Đã có nhiều người cùng màu da với ông bị phân biệt đối xử ở Mỹ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam được bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xoá bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. Thực tế những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã mở cửa, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Ngược lại với những lời phụ họa, võ đoán thiếu khách quan khi cho rằng: “Việt Nam không chịu phát triển”, trong khi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, 5/8 mục tiêu đã về đích trước năm 2015, được Liên hợp quốc nhìn nhận là hình mẫu quốc tế trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) trên toàn quốc từ 58,1% năm 1993 xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Chính phủ luôn dành nguồn lực lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005 – 2012, Nhà nước đã dành 864.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm dành 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm (giai đoạn 2005 – 2012) giảm từ 2,3% đến 2,5%. Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam đạt 186,20 tỷ USD (gấp 3,2 lần so với GDP năm 2006); từ năm 1985 đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 6,3%; trong bảng xếp hạng Sức mua tương đương (PPP) Việt Nam xếp sau Ấn Độ. Theo Nhà báo E. Phin-le-tơn thì đó là sự phát triển ngoài kỳ vọng. Ông viết: “các số liệu về thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy nước này đã gia tăng giá trị xuất khẩu của họ gấp 150 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước.
Đó chỉ là một phần sự thật về dân chủ, nhân quyền và thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam trong 70 năm qua. Sự thật đó đã được cả thế giới biết đến, chỉ những ai cố tình xuyên tạc, phủ nhận với dụng ý xấu xa mới không thể nhận thấy mà thôi./.