Thêm một luận điệu xuyên tạc cần bác bỏ
Nhân Hội nghị TW 5 khóa XII ra Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên một số trang mạng xuất hiện những bài viết, đưa ra những luận điệu phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, điển hình là bài viết của tác giả Cát Linh, đăng trên Website của Đài Á châu Tự do (RFA), với tiêu đề: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Vòng luẩn quẩn“. Tác giả bài viết đã viện dẫn, đưa ra những ý kiến của một vài cá nhân không những sai lầm về mặt khoa học mà còn chứa đầy sự ác ý, không mang tính xây dựng.
1. Kinh tế thị trường không phải sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản
Nhằm phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Cát Linh viện dẫn ý kiến của một số người cho rằng, hiện nay trên thế giới chỉ có kinh tế thị trường thuần túy và kinh tế thị trường xã hội, không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, có hay không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Nhìn lại lịch sử phát triển của kinh tế thị trường trên thế giới cho thấy, kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường đồng bộ; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế. Mặc dù kinh tế thị trường xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, song dưới chủ nghĩa tư bản khi sức lao động trở thành hàng hóa kinh tế thị trường phát triển rất mạnh mẽ xuyên qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Có lẽ, vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Bởi dưới chủ nghĩa xã hội kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển khi sự phân công lao động xã hội và sự độc lập về mặt kinh tế giữa những chủ thể sản xuất kinh doanh vẫn còn. Và, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu hỗn hợp khác); trong hình thức sở hữu nhà nước cũng có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc Nhà nước) và quyền sử dụng tư liệu sản xuất (thuộc tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng). Đó là những điều kiện kinh tế – xã hội để kinh tế thị trường tồn tại và phát triển. Do vậy, dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển là tất yếu khách quan.
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên nền kinh tế thị trường chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1].
2. Áp dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phát triển không hiệu quả. Trong bài viết của mình, Cát Linh còn đưa ra quan điểm cho rằng, nếu áp dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế Việt Nam khó có khả năng phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế nền kinh tế Việt Nam từ khi phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn bác bỏ ý kiến này.
Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa này. Đó chính là kết quả của quá trình phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng trong nhiều năm lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, có cả những thành công và thất bại, có cả những bài học kinh nghiệm quý báu của các nước trên thế giới mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn tiếp thu. Qua mỗi kỳ Đại hội, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ hơn, được bổ sung, phát triển và không ngừng hoàn thiện, phản ánh đúng thực tế khách quan và quy luật vận động của đất nước trong tiến trình đổi mới và phát triển. Thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước đã chứng minh chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo. Sau 30 năm đổi mới, “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi,…”[2].
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết xác định toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo, đã được kiểm nghiệm qua thực tế với những thành tựu to lớn của đất nước trong 30 năm qua. Vì vậy, không thể nói rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là vòng luẩn quẩn”. Những ý kiến phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nếu không là nhận thức mơ hồ, phiến diện thì cũng là những luận điệu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.102
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.65-66
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế./.
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả Đức Trung khi cho rằng kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà đó là thành tựu của nền văn minh nhân loại. Những chủ trương, đường lối mà Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, phản ánh tư duy nhạy bén của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề mới do thực tiễn xã hội đã và đang đặt ra
Kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, nó không phải là sản phẩm riêng có của Chủ nghĩa tư bản, nên mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng cho mình; còn đối với Việt Nam chúng ta có quyền lựa chọn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nó vẫn hợp quy luật và không ai có quyền phủ nhận nó.
Qua gần 25 năm đổi mới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đem lại những thành tựu to lớn, rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Diện mạo của nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Đó sẽ là sự phủ định mạnh mẽ đối với những luận điệu xuyên tạc về sự không “dung hợp” giữa kinh tế thị trường và CNXH.