Tiếng kêu tuyệt vọng của Trần Thảo

Vừa qua, ông Trần Thảo có bài viết “Đôi lời với ông Tống Văn Công” nhân việc ông Công xuất bản cuốn hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng” tại Mỹ. Trong bài viết, bằng những lời lẽ miệt thị, hằn học, ông Trần Thảo đã chửi bới, thóa mạ chế độ và những kẻ “cùng hội, cùng thuyền” với ông như thể ông là bậc bề trên có quyền chỉ bảo người khác. Vậy đâu là sự thật, đâu là dối trá trong bài viết của ông Trần Thảo?

Nội dung bài viết cho thấy, ông Trần Thảo đã tự vạch trần bản chất của mình qua bộc bạch của ông với ông Tống Văn Công: “Tôi chưa đọc trọn gói cuốn hồi ký của ông, chỉ mới đọc khá nhiều trích đoạn trên mạng. Nhưng tôi nghĩ thế cũng đã đủ để tôi có cái nhìn về con người và quá trình hoạt động của ông trong mảng báo chí”. Thật nực cười, ông Trần Thảo muốn nhận xét hay đánh giá về ai đó thì ông nên tìm hiểu kỹ tiểu sử và tác phẩm của họ, còn chỉ đọc vài trích đoạn trên facebook cá nhân hay các blog trên mạng internet thì làm sao có thể gọi là đủ để ông nhìn nhận, đánh giá đúng con người mà ông muốn nói. Ông chửi người khác là Việt gian, “những đứa ăn cháo đá bát, đá cá lăn dưa, ăn cây táo rào cây sung”, ông quật cả mồ mả cha ông người khác lên chửi bới, thóa mạ thì “tầm văn hóa” của ông đã lộ rõ rồi. Những câu, những chữ ông chửi bới người, chửi bới chế độ trên blog càng khẳng định ông là một người hận thù chế độ. Trong bài viết của ông có câu “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, ông có nói đến triết lý nhân quả của Phật giáo thì ông cũng nên xem lại “khẩu nghiệp” của mình đã đúng hay chưa, tâm của mình đã sáng hay chưa, đối nhân, xử thế đúng chưa? Còn để khẳng định ai là Việt gian, ai là quân tử thì ông hãy để cho nhân dân phán xét, bởi đánh giá của nhân dân luôn khách quan, công tâm!

Ông còn ám chỉ chế độ xã hội chủ nghĩa như “cái lồng sắt đã gần một thế kỷ qua bao trùm toàn thể dân tộc Việt Nam trong bóng đêm dày đặc của áp bức, bóc lột, của tàn bạo, dã man”. Là một người biết tiếng Việt, hẳn ông cũng biết: 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng tháng Tám, đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp xâm lược, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Việt Nam trở thành một trong những dân tộc đầu tiên làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công ở một nước thuộc địa và lệ thuộc. Ngày nay, đi tới bất cứ nơi đâu trên thế giới, Việt Nam luôn được ngưỡng mộ vì là một đất nước anh hùng đã đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất, là một trong những đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Là một người Việt Nam, lẽ nào ông Trần Thảo lại chối bỏ sự thật lịch sử đấy!

Ông coi chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta xây dựng là “Bóng đêm dày đặc của áp bức, bóc lột, của tàn bạo, dã man”. Sự thực, đất nước ta đã trải qua gần một thế kỷ chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới, sau 30 năm tiến hành đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đó. Có những giai đoạn như từ 1991 – 1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều quốc gia tăng trưởng âm thì GDP giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam vẫn đạt 5,9%/năm, trong đó năm 2015 đạt 6,68%, được coi là mức cao của khu vực và thế giới. Tính đến cuối năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 193,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 2.109 USD, từ chỗ cả nước còn thiếu ăn nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, so với năm 1986 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng gấp khoảng 167 lần (132,2 tỷ USD). Qua 30 năm đổi mới, ngành giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Tính đến năm 2015, đã có 32 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Văn hóa xã hội phát triển vượt bậc, giao lưu, hội nhập quốc tế được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu; an ninh, quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc. Liệu đấy có phải là “bóng đêm dày đặc của áp bức, bóc lột, của tàn bạo, dã man” mà ông Trần Thảo nói tới hay là một sự thay đổi lịch sử mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được?

Thiết nghĩ đấy là điều mà mọi người dân Việt Nam đều tự hào và là sợi dây cố kết dân tộc dù là người Việt Nam ở trong nước hay ngoài nước. Những việc làm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ đoàn kết dân tộc như bài viết vừa qua của ông Trần Thảo chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng như những lời ông viết.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.