Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đều phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin

Kể từ khi ra đời và trở thành hệ tư tưởng thống trị trong phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác – Lênin luôn phải đấu tranh quyết liệt với hệ tư tưởng tư sản, với chủ nghĩa chống cộng và các trào lưu cơ hội, xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lôgíc của cuộc đấu tranh sinh tử ấy đã chỉ ra rằng: khi cách mạng đang ở cao trào, đang thắng lợi thì các thế lực thù địch, những kẻ chống cộng và bọn cơ hội chính trị tìm trăm phương, ngàn kế để chống đỡ, phòng ngự, nhưng khi cách mạng gặp khó khăn, tạm thoái trào thì chúng chuyển mạnh sang phản công và tấn công, tập trung công kích chủ nghĩa Mác – Lênin, nền tảng tư tưởng của chúng ta. Chúng đã và đang triệt để lợi dụng những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm của Đảng Cộng sản và phong trào xã hội chủ nghĩa để chống phá, thậm chí chúng còn bịa ra đủ điều xấu xa, độc ác và thô thiển để thoá mạ, cố tình chứng minh cho điều mà chúng muốn là “Chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời”, không thể giữ vai trò nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản.

Vào những năm cuối thế kỷ XX, sự kiện đáng buồn và không hề mong đợi đối với những người cộng sản đã xảy ra: chủ nghĩa xã hội theo mô hình xôviết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và tan rã, cách mạng vô sản thế giới lâm vào thoái trào. Đó là một hiện thực đau xót của chủ nghĩa xã hội; đồng thời là cơ hội ngàn vàng cho các thế lực chống chủ nghĩa xã hội lợi dụng để xâu xé, đả kích, nói xấu, xuyên tạc, đòi loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin. Vin vào điều ấy, chúng vội vàng cao giọng trong bản hợp xướng muốn “đào sâu”, “chôn chặt” chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội là “bước đi sai lầm của lịch sử”, là một “ảo tưởng bốc đồng” của một bộ phận nhân loại và cần phải “khai tử” chủ nghĩa Mác – Lênin. Không ít kẻ chống đối chủ nghĩa xã hội, với lập trường “không nhất quán một cách có chủ ý”, lúc thì tách riêng chủ nghĩa xã hội lý thuyết (tức chủ nghĩa Mác – Lênin) và chủ nghĩa xã hội hiện thực để cho rằng hai thứ đó chẳng ăn nhập gì với nhau nên không khoa học. Có lúc chúng lại nhập cả hai vào làm một để khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã sụp đổ thì chủ nghĩa xã hội lý thuyết ắt cũng bị phá sản, có chăng đó chỉ là “giả tưởng”, “suy tưởng”, không có giá trị hướng dẫn thực tiễn. Chúng cho rằng chỉ nên coi chủ nghĩa Mác – Lênin là một phần của nhận thức, không thể coi là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động được. Nếu như những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các thế lực chống cộng phải giả danh chủ nghĩa Mác để xét lại điểm này, điểm khác, thì hiện nay, chúng chẳng cần úp mở nữa mà công khai tuyên bố bác bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lênin; coi đó là lý luận “lỗi thời”, “quái gở”, là “không thích hợp với phương Đông, mà cũng chẳng thích hợp với phương Tây”; rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin không còn chỗ đứng nữa”, bây giờ chỉ còn phải lựa chọn giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa không tự do trong kinh tế, giữa bảo thủ và xã hội dân chủ hay là con đường thứ ba giữa hai cánh của con đường chính trị tư sản mà thôi…

Phải thừa nhận rằng, các thế lực thù địch, chống cộng, những kẻ cơ hội, xét lại rất táo bạo, trắng trợn, thô bỉ trong việc nói và làm bất chấp thực tế lịch sử và hiện thực khách quan. Chúng cố tình quên đi rằng, chính từ quá trình nghiên cứu một cách khoa học sự hình thành, vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra qui luật phát triển tất yếu của lịch sử; chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ diệt vong và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu; đã chỉ ra cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động mục tiêu cần phải đến và con đường dẫn tới mục tiêu đó.

Nhưng tuyệt nhiên, như C.Mác đã từng nói, học thuyết của ông không phải là những tín điều đóng kín, không phải là khuôn mẫu bất biến mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Việc tuân thủ và vận dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải tính đến những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, từng dân tộc để tìm ra được những hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp, giải quyết được những vấn đề thực tiễn chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội… của mỗi quốc gia, dân tộc đang đặt ra. Điều này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen giải thích rất rõ trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”: “việc áp dụng những nguyên lý ở đâu và lúc nào cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời”. V.I.Lênin cũng cho rằng, không nên coi lý luận của C.Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, cần thấy rằng, lý luận đó chỉ đặt nền móng cho một môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn về mọi mặt, nếu không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống.

Rõ ràng, với cách nhìn như vậy, không thể qui kết sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô viết ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm 90 của thế kỷ XX  là do của chủ nghĩa Mác – Lênin để rồi phủ nhận và bác bỏ nó. Sự sụp đổ đó có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức không đúng, vận dụng máy móc, giáo điều những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Điều đó đã làm suy giảm sức sống sáng tạo của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm suy giảm vai trò tiền phong của lý luận trong dự báo tình hình và dẫn đường, chỉ lối cho phong trào cách mạng. Do đó, quá trình hiện thực hoá lý tưởng của những người cộng sản vấp phải những khó khăn to lớn, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hoá đã trở thành phổ biến với những xung lực mạnh mẽ thì công việc đó càng khó khăn hơn gấp bội. Trong khi ấy, kinh nghiệm của đấu tranh giai cấp buộc giai cấp tư sản, những kẻ chống cộng và cơ hội xét lại không những không một chút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, mà còn tỉnh táo, khôn ngoan và cố gắng hơn gấp nhiều lần, ra những cú đòn thâm hiểm vào phút quyết định đối với chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhưng điều tệ hại nhất và là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn đến sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô viết ở Liên Xô và Đông Âu là do nhiều sai lầm chủ quan, kéo dài, ngày càng trầm trọng của các Đảng Cộng sản và những người lãnh đạo của các Đảng và nhà nước ở đó. Họ đã xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, để cho chủ nghĩa cơ hội lũng đoạn chính trị, phạm sai lầm về đường lối, buông lỏng chuyên chính, mất cảnh giác, thủ tiêu đấu tranh giai cấp, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, mất phương hướng chính trị, thiếu sắc sảo, nhạy bén trong lãnh đạo; quan liêu, bảo thủ, trì trệ… không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Ở vào thời điểm có tính chất bước ngoặt liên quan đến vận mệnh của chủ nghĩa xã hội thì họ không đủ bản lĩnh và trí tuệ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng to, gió lớn mà lại tự dâng hiến mọi thành quả đã đạt được trong gần một thế kỷ đấu tranh cho chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản không một chút so đo, tính toán. Tất cả điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lênin đã bị phá sản, những nguyên lý cơ bản của nó là sai lầm. Trái lại, chính vì không nắm vững bản chất cách mạng và khoa học; xơ cứng, giáo điều trong vận dụng, phát triển; buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; lùi bước trong cuộc đấu tranh tư tưởng, mất cảnh giác với kẻ thù ở bên ngoài; không tỉnh táo đề phòng sự phá hoại từ bên trong đã làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ. Bài học “xương máu” ấy đang nhắc nhở chúng ta học kỹ và tuyệt đối không lặp lại sai lầm “theo vết xe đổ” mà người khác đã mắc mưu địch, để mất Đảng Cộng sản, mất chế độ XHCN./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.