XÂY DỰNG TƯỜNG RÀO SÂN BAY MIẾU MÔN LÀ ĐÚNG THẨM QUYỀN, QUY ĐỊNH, THỦ TỤC PHÁP LUẬT (Kỳ một)
Theo thông báo của Bộ Công an: Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP. Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương. Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước sự việc này, trên mạng xã hội đã phát tán nhiều thông tin sai lệch, ra sức xuyên tạc sự thật, kêu gọi một số tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cũng như kêu gọi người dân chống phá chính quyền, ngăn cản việc xây tường Sân bay, hòng lợi dụng tình hình thực hiện dã tâm kích động bạo loạn ở nơi đây… Vậy thực chất vấn đề là gì? Chúng ta cần phải hiểu đúng bản chất sự việc và có hành vi ứng xử đúng pháp luật.
- Việc Quân đội xây tường Sân bay Miếu Môn là đúng pháp luật
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc công khai kết quả kiểm tra, rà soát kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội, ngày 25/4/2019, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì cuộc họp công bố kết quả rà soát của cơ quan này về tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu Sân bay Miếu Môn.
Kết luận thanh tra đã làm rõ nguồn gốc, toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng đất đai cũng như các khiếu nại, tố cáo của người dân. Qua xác minh, Thanh tra TP. Hà Nội cho biết, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm chỉ có hơn 64 ha. Do vậy, Thanh tra TP. Hà Nội cho rằng, việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm gồm 106 ha (có đơn nêu là 96 ha) là không đúng…
Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đồng Sênh như ông Kình và một số công dân nêu. Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ các mốc giới do công dân dẫn Đoàn thanh tra kiểm tra tại hiện trường và vẽ trên một phần sơ đồ hiện trạng đất Sân bay năm 2013, là các mốc giới hạn diện tích 50,03 ha do Quân chủng Phòng không Không quân cắm năm 2016 để giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội xây dựng dự án quốc phòng nằm trong đất Sân bay Miếu Môn. Thanh tra TP. Hà Nội xác định: “Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu. Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”.
Theo kết luận của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh: “ông Lê Đình Kình không có quyền, lợi ích hợp pháp, không đại diện 14 hộ dân ở vùng sân bay Miếu Môn”; “với phương án bồi thường mới đã được cơ quan chức năng xây dựng, 14 hộ dân trong khu vực đất thuộc sân bay Miếu Môn hết sức ủng hộ, đồng tình, sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Việc ông Kình khiếu nại nhân danh 14 hộ dân là không có căn cứ cơ sở”…
Chiều ngày 25/11/2019, tại Hội trường UBND huyện Mỹ Đức đã diễn ra hội nghị đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Tổng Thanh tra chính phủ, ông Đỗ Văn Đương – Phó Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì. Cuộc đối thoại diễn ra dân chủ, công khai minh bạch và đã được phát thanh trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của Huyện để nhân dân trong toàn huyện theo dõi. Đại diện người dân xã Đồng Tâm phát biểu tại hội nghị đều đã bày tỏ phấn khởi khi được tham dự hội nghị đối thoại và được chính quyền các cấp lắng nghe ý kiến. Nhiều đại biểu của nhân dân Đồng Tâm đã phát biểu, thể hiện rõ thái độ: “Chúng tôi luôn ủng hộ nhà nước trong các chính sách an ninh quốc phòng. Người dân cũng ghi nhận việc chính quyền công bố các bản đồ, giấy tờ pháp lý liên quan đến khu đất sân bay Miếu Môn và mong muốn những vấn đề liên quan được xử lý dứt điểm, tạo điều kiện đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương, nâng cao đời sống cho người dân Đồng Tâm”.
Tại cuộc đối thoại, ông Trần Ngọc Viễn (75 tuổi, xã Đồng Tâm) đại diện cho 14/14 hộ đã xác nhận đất mình đang ở là đất của Quốc phòng và đã rất đồng tình với kết luận của Thanh tra TP Hà Nội; 100% các hộ đều đã ký kết đồng ý theo phương án hỗ trợ và mức đền bù hỗ trợ để di dời ra khỏi phần đất Sân bay Miếu Môn. Ông Viễn đã nói rõ: “Chúng tôi đồng tình di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn và đã giải tỏa xong bởi chúng tôi hiểu pháp luật. Chúng tôi đã vui vẻ di dời khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Người dân Đồng Tâm đa phần là chấp hành, ủng hộ, chỉ có một bộ phận nhỏ phản đối”.
Trước khi các đơn vị quân đội tiến hành xây tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, cùng nhân dân xã Đồng Tâm, các lực lượng Công an và Quân đội nơi đây đã tuyên truyền, vận động nhân dân, kể cả với một số gia đình, cá nhân không có quyền lợi hợp pháp đối với đất ở Sân bay, nhưng có tư tưởng, hành vi chống đối… phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Như vậy, mọi thủ tục pháp lý từ xử lý khiếu kiện, thanh tra, kết luận đến tuyên truyền vận động, hỗ trợ người có quyền lợi hợp pháp rời khỏi đất của Sân bay Miếu Môn, đến việc Quân đội tiến hành xây tường rào bảo vệ theo quyền quản lý và sử dụng đấy của mình là hoàn toàn đúng thẩm quyền, quy định, thủ tục và trình tự của pháp luật.
Pingback:XÂY DỰNG TƯỜNG RÀO SÂN BAY MIẾU MÔN LÀ ĐÚNG THẨM QUYỀN, QUY ĐỊNH, THỦ TỤC PHÁP LUẬT (Kỳ một) |