ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) đang dần hiện hữu đã chứng minh cho dự báo thiên tài của Mác về những thay đổi khi “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Cuộc cách mạng này có tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ráo riết tận dụng những ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy mạnh việc truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, mạng internet và các trang mạng xã hội có lượng truy cập lớn như facebook, twitter, whatsapp, youtube, các apps (ứng dụng) trên thiết bị thông minh luôn được chúng coi là phương tiện chủ yếu để chuyển tải, phát tán các thông tin sai trái, thù địch đến đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân.
Chính vì vậy, việc nhận dạng chính xác âm mưu, thủ đoạn và đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết.
1. Một số vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cách mạng công nghiệp là thuật ngữ dùng để chỉ cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất với đặc điểm lớn nhất là lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, xuất hiện những phát minh, sáng chế mang tính “vượt thời đại” để tạo ra nguồn của cải khổng lồ tạo ra nhưng những biến đổi về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa ở cấp độ toàn cầu. Đa số ý kiến hiện nay đều cho rằng nhân loại đã và đang trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp, trong đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra tại Tây Âu và Bắc Mỹ từ đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu chiến tranh thế giới lần thứ nhất (năm 1914), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu diễn ra và được nhắc đến trong một vài năm gần đây.
Thuật ngữ “Industrie 4.0” (The Fourth Industrial Revolution) bắt nguồn từ một dự án trong Chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Đức, trong đó khuyến khích việc tin học hoá sản xuất. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover – Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp được tổ chức thường niên bởi Deutsche Messe AG (Cộng hòa liên bang Đức). Khái niệm này lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012[1].
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) đang được hình thành trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đó là cuộc cách mạng số, đã bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học, làm cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản khác với các cuộc cách mạng trước đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật “Internet kết nối vạn vật” (Internet of things), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big Data) và phát triển các công nghệ kỹ thuật số. Tốc độ của những đột phá ngày nay là chưa hề có tiền lệ. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng, tin học lượng tử…
Với những ưu thế vượt trội so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là động lực, có ảnh hưởng to lớn và rộng khắp về kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và từng quốc gia xong cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong vấn đề an ninh, quốc phòng của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
2. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tăng cường các hoạt động chống phá ta, trong đó tập trung vào việc sử dụng mạng toàn cầu world wide web (www), thư điện tử (email) và các trang thông tin điện tử, mạng nội bộ, mạng xã hội (facebook, twitter, whatsapp, youtube, blog cá nhân) đặt ở nước ngoài các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng hoạt động chống đối, xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Theo thống kê, hiện nay có hơn 400 tờ báo, đài phát thanh, website và hàng ngàn trang mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ chống phá nước ta.
Về phương thức, thủ đoạn chống phá: các thế lực thù địch luôn lợi dụng những sự kiện chính trị lớn của đất nước như chuẩn bị kỷ niệm các ngày lễ lớn, trước các kỳ Đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp, bầu cử Quốc hội… để tung tin thất thiệt, lồng quan điểm cá nhân vào các sự kiện; đặc biệt chúng sử dụng thông tin, hình ảnh không đúng, không đầy đủ trên không gian mạng để vu cáo, bôi nhọ. Các hoạt động chống phá của chúng được diễn ra trên diện rộng, với mật độ dày đặc cả ở trong và ngoài nước nhưng đều có phương thức truyền tải theo dạng số hóa. Chính điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ trong cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái thù địch bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống trên không gian mạng và đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Có một thực tế là hiện nay không ít người trong chúng ta vẫn cho rằng chỉ cần dùng những biện pháp kỹ thuật (ví dụ như thiết lập tường lửa hay dùng phần mềm…) là có thể ngăn chặn được các website, blog độc hại, coi đây là giải pháp tối ưu trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Nhưng trên thực tế, biện pháp này ngày càng bộc lộ sự hạn chế với sự ra đời của các phần mềm vượt tường lửa hay đơn giản là việc thiết lập lại địa chỉ proxy trên máy tính. Hơn nữa, với công nghệ, kỹ thuật hiện nay, việc thiết lập một trang web hay tạo một tài khoản facebook chỉ mất vài phút và phần lớn mọi người chỉ cần một chút kiến thức về tin học là cũng có thể thiết lập được một tài khoản email hay vào bất cứ một trang web nào trên mạng. Có thể nói gần như chúng ta không thể ngăn chặn được bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khai thác, công bố thông tin dù là chính thống hay không chính thống trên không gian mạng. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh nhằm chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay bản thân tự nó đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần được nhận thức sâu sắc hơn.
3. Về những giải pháp để đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thứ nhất, cần thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức toàn diện về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho đông đảo cán bộ, nhân dân.
Giáo dục chính trị tư tưởng là một hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng, có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao nhận thức trong phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự bùng nổ của mạng xã hội và các thiết bị đầu cuối thông minh. Nội dung công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải toàn diện, đồng thời phải sử dụng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát thực tiễn, gần gũi với đời sống và thực tế học tập, công tác của cán bộ, nhân dân; phải chủ động phát huy hết lợi thế của mạng internet, tăng cường cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các Website, Cổng thông tin điện tử nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái của mọi người dân. Thường xuyên cập nhật lên không gian mạng những thông tin chính thống với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng… Kết hợp tuyên truyền nội bộ và công khai trên các trang mạng xã hội, báo điện tử, cổng thông tin điện tử về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, về bản chất các quan điểm sai trái trên không gian mạng nhằm giáo dục cho mọi người dân nâng cao ý thức cảnh giác, đủ sức “miễn dịch” trước các quan điểm sai trái, phản động lợi dụng những thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chống phá ta.
Thứ hai, cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với các hoạt động truy cập mạng xã hội nhằm chống lại sự phát tán, tấn công của các quan điểm sai trái, thù địch.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc truy cập, sử dụng mạng xã hội trước tiên thể hiện ở việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, thiết lập hệ thống thiết bị, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet; việc cấp phép trong hoạt động và quản lý thông tin trên không gian mạng. Cùng với đó, cần có sự chung tay tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương cùng với Bộ Công an theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định. Các cơ quan, tổ chức cần duy trì nghiêm việc truy cập mạng xã hội của cán bộ, nhân viên để phòng chống việc lộ lọt thông tin quan trọng mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Mỗi cá nhân đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, những ngành, những nghề trọng yếu cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không soạn thảo, lưu trữ các tài liệu quan trọng trên máy tính kết nối mạng và thiết bị lưu trữ ngoài không có mã cơ yếu; không truyền đưa các thông tin, tài liệu có độ mật trên mạng truyền số liệu nội bộ.
Thứ ba, cần có sự chủ động đấu tranh của các lực lượng chuyên trách nhằm vạch trần tính chất phản động, xuyên tạc của các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Việc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là việc riêng của một vài người, một vài cơ quan tổ chức, tuy nhiên để giữ thế chủ động, đấu tranh có hiệu quả, cần xây dựng một lực lượng “phản ứng nhanh”, chuyên trách để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của kẻ thù. Lực lượng này phải là những chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và am hiểu về công nghệ thông tin và ngoại ngữ để có thể chủ động tiến công và phản bác lại ngay lập tức các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trên không gian mạng, tránh bị động, bất ngờ và để các thông tin sai trái đó lan tỏa.
Thứ tư, gắn cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Trong bài viết cho tạp chí Học tập số 12 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kẻ địch gồm ba loại: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to… Loại thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp – hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi – để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”[2]. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kẻ địch thứ ba này trở nên cực kỳ nguy hiểm, nó không chỉ là bạn đồng minh, đồng hành mà còn như một thứ công cụ đắc lực trợ giúp cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Vì vậy, việc gắn cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên phải được coi là nội dung cốt lõi trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch. Bởi nếu mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, luôn biết “gột rửa” những hủ hóa, những thói hư, tật xấu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn thì không một thế lực, một cá nhân, một phương tiện kỹ thuật ở bất cứ một cuộc cách mạng công nghiệp nào có thể tấn công được chúng ta, mà trái lại, chúng sẽ bị vạch trần và tất yếu bị loại bỏ.
Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn trong thế giới đương đại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn được các thế lực thù địch lợi dụng để thông tin, tuyên truyền những luận điệu sai trái chống phá cách mạng, chống đối chế độ ta. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với ưu thế nổi trội về không gian mạng, khả năng kết nối mọi công dân trên thế giới và các thiết bị thông minh là sự phát triển tất yếu không thể đảo ngược. Tuy nhiên, việc nêu cao cảnh giác, miễn dịch trước các thông tin sai trái và phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng những thành tựu cũng như hạn chế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chống phá cách mạng Việt Nam phải được mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi “công dân mạng” thấm nhuần và thực hiện trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày./.
[1] Tổng luận “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Hà Nội, 2016
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 606.
cần thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho nhân dân, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Nhận dạng chính xác âm mưu, thủ đoạn và đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết.
Chúng ta cần nêu cao cảnh giác, tự miễn dịch trước các thông tin sai trái và phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng những thành tựu cũng như hạn chế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chống phá cách mạng Việt Nam.
Lợi dụng những ưu việt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chống phá cách mạng Việt Nam là một thủ đoạn tất yếu của các thế lực thù địch!. Chúng ta hãy cảnh giác và sẵn sàng đánh bại thủ đoạn đó bằng nhiều giải pháp khác nhau!.