Cơ sở khoa học đề xuất những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII
Nghiên cứu kỹ những nhận định, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 – 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 – 2016) là một trong những cơ sở quan trọng để phát hiện, đặt tên các luận điểm mới có trong Văn kiện Đại hội XII. Muốn chỉ ra những điểm mới về lý luận trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhất thiết phải bám sát vào từng nhận định, đánh giá của Đại hội về tình hình đã và đang diễn ra trên thế giới, khu vực và trong nước, những tác động của nó đến sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XII của Đảng viết: “… tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông,… đã tác động bất lợi đến nước ta”. Việc đánh giá, nhận định như vậy là khách quan, phản ánh sát thực diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, đem lại một cách nhìn toàn diện và sâu sắc về bối cảnh quốc tế để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân xác định rõ hơn chỗ đứng, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; tránh lạc quan tếu, mơ hồ, ảo tưởng hoặc bi quan, chán nản, chủ quan duy ý chí.
Cùng với đó, Văn kiện Đại hội XII cũng chỉ rõ: ở nước ta những năm gần đây: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước trước những động thái mới của tình hình khu vực và quốc tế đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là tình hình Biển Đông. Với cách nhìn biện chứng, khách quan, toàn diện, cụ thể và phát triển, Đảng ta đã nhận định: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng”; đáng kể là nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực, công nghiệp hoá, hiện đại hoá tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, y tế có bước phát triển. Chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Các luận điểm mới trình bày trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đều xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn nên có sức sống và có giá trị tham mưu, chỉ đạo tốt, đã đạt đến tầm tư tưởng. Công tác nghiên cứu, chỉ ra những nội dung trọng yếu, nhất là những điểm mới về lý luận, phục vụ việc học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần bám sát vào sự đánh giá, nhận định của Đảng đã khẳng định tại Đại hội XII; đặc biệt là các nhận định, đánh giá về những ưu điểm, thành tựu; hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm, có tác dụng chỉ đạo thực tiễn rất tốt. Bản thân các nhận định, đánh giá ấy chứa đựng nội dung mới vì nó xuất phát từ tình hình mới, là những kết luận rút ra từ công tác tổng kết thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Một trong những nội dung hàm chứa nhiều luận điểm mới của Văn kiện Đại hội XII thể hiện tập trung ở mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới. Trên cơ sở nghiên cứu, dự báo tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong những năm tới, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới; biển, đảo; coi đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn nhất đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Đảng ta cũng chỉ ra tính chất nguy hại của nguy cơ “diễn biến hoà bình”, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực xã hội, nhất là sự suy thoái tư tưởng chính chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền trong bộ máy Đảng, Nhà nước, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta. Dự báo về tình hình thế giới, Văn kiện Đại hội XII của Đảng viết: “Trong những năm tới, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng… tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia”. Cùng với đó, Đảng ta đã phân tích tình hình chính trị – an ninh thế giới và nhấn mạnh rằng nó sẽ thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp và khó dự lường; đặc biệt là tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh trên không gian mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Điều đó tất yếu dẫn đến sự thay đổi cục diện thế giới theo hướng đa cực nhiều trung tâm. Đáng chú ý là sự nhận định, đánh giá của Đại hội XII về sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn và các xu thế mới có thể diễn ra, đó là “vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực; “những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội và khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển”. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề mới, cần phải nhận thức thấu đáo và có biện pháp giải quyết tối ưu đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, liên kết cạnh tranh, đấu tranh của nước ta với các nước trên thế giới và khu vực vì lợi ích của quốc gia dân tộc Việt Nam, góp phần gìn giữ, bảo vệ nền hoà bình thế giới.
Một trong những điểm mới được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XII là việc đánh giá một cách toàn diện về sự vận động, biến đổi của tình hình châu Á – Thái Bình Dương; trong đó có khu vực Đông Nam Á với những tác động thuận và nghịch chiều đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đáng giá về hình châu Á – Thái Bình Dương, Đảng ta nhận định: “Đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt và phức tạp. ASEAN trở thành Cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài”. Sự vận động, biến đổi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay có nhiều điểm mới, rất khác so với tình hình 5 năm trước đây, nó đặt ra thời cơ và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của Việt Nam. Đại hội XII đã chỉ ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sự phát triển đất nước: “kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng xuất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh kinh tế thấp. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta… làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước”. Cùng với việc chỉ ra những khó khăn, thách thức nêu trên, Đại hội XII còn chỉ ra những khó khăn, thách thức trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền, lãnh hải, biển, đảo của Việt Nam, đồng thời chỉ ra: “Tình hình chính trị – xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định”.
Xuất phát từ tình hình thực tế, Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và hội nhập: kết hợp hài hoà các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy nhân tố con người; vai trò của khoa học – công nghệ;…”. Từ đó, Đảng ta chỉ ra mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới 2016 – 2020. Trong đó nhấn mạnh tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; coi đó là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong từng lĩnh vực cụ thể chỉ khi và khi nào nắm chắc tư tưởng lớn, hàm chứa trong chủ đề Đại hội và Báo cáo Chính trị cũng như những điểm mới mà Đại hội XII đã nhận định, đánh giá và khẳng định trong đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước; mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm tới thông qua các chỉ tiêu quan trọng và 6 nhiệm vụ trọng yếu. Có thể coi đó là chiếc “chìa khoá” mở con đường khám phá, tìm ra những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII và đem lại niềm tin, sức mạnh để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiến lên./.