Để góp phần phát triển xanh và bền vững
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu luôn là nội dung quan trọng trong các Văn kiện Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nội dung này tiếp tục được khẳng định và nâng lên tầm cao mới.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được đề cập trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI của Đảng. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Coi trong nghiên cứu, dự báo, thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm hoạ thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia; Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XI một lần nữa khẳng định quan điểm và quyết tâm của Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bằng việc ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục đưa ra quan điểm về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều nội dung mới. Một trong những điểm mới của Văn kiện XII so với các Văn kiện trước, đó là: Thứ nhất, Đảng đã đánh giá sát, trúng, chân thực thực trạng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong nhiệm kỳ trước; Thứ hai, Đảng khẳng định: “Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực” và đây là một trong những thành quả quan trọng thể hiện nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; Thứ ba, Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn bất cập.
Về quản lý tài nguyên, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có nhiều nhận định tích cực, trên nhiều mặt, từ tổ chức hệ thống bộ máy nhà nước về quản lý tài nguyên từ Trung ương đến địa phương, bố trí ngân sách cho quản lý tài nguyên, đến đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên; từ điều tra, đánh giá, quy hoạch đất đai, khoáng sản, nguồn nước, rừng, nguồn lợi thuỷ sản và các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên, đến vấn đề bảo vệ, phục hồi, tái tạo các nguồn tài nguyên… Tuy nhiên, Đảng cũng cho rằng, dù quản lý tài nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung nguồn tài nguyên vẫn chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; một số loại tài nguyên như nước ngầm, rừng, than…bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt.
Do vậy, để công tác quản lý nguồn tài nguyên có hiệu quả và bền vững, quan điểm Đại hội XII của Đảng coi trọng việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với tài nguyên khoáng sản như than, dầu khí… và tài nguyên biển. Đại hội XII nhấn mạnh: “Hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu”; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới; kiểm soát các hoạt động khai thác và đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Đối với tài nguyên đất và nước, Đảng ta coi đây là nguồn tài nguyên có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến ổn định an ninh lương thực, phát triển bền vững đất nước. Cho nên, trong quản lý tài nguyên đất phải “thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp; trong quản lý tài nguyên nước phải “Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Qua đó, ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán và sự xâm lấn mặn đối với nguồn tài nguyên đất và nước.
Về bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc tóm lược những kết quả đạt được, Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong bảo vệ môi trường, đó là: ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm. Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân làm giảm đa dạng sinh học, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, sức khoẻ, đời sống nhân dân.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy nhưng ưu điểm đã đạt được trong bảo vệ môi trường, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý kịp thời theo pháp luật tình trạng gây ô nhiễm môi trường; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hoá cùng với sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình trọng điểm phục hồi môi trường dân sinh. Qua đó, hạn chế, khắc phục “căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, các lưu vực sông, không để phát sinh thêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: dù nhận thức về tầm quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên; nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp với phòng, chống thiên tai được triển khai; hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh…, nhưng chất lượng công tác dự báo và quy hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng. Do vậy, để phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, Đại hội XII của Đảng tiếp tục đưa ra quan điểm chỉ đạo việc xây dựng, triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai: một là, phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; hai là, phải đầu tư thích đáng cho các công trình trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu; ba là, phải chú trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính; bốn là, với các vùng, khu vực dễ chịu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, phải chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.
Những quan điểm và lý luận nhằm khẳng định những thành quả đạt được và thừa nhận những hạn chế, khuyết điểm về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong Văn kiện XII của Đảng được đánh giá là phù hợp, đúng mức, phản ánh được cả những nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong bối cảnh khó khăn, phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, cũng như cả những yếu kém, khuyết điểm cần được khắc phục.
Với quyết tâm cao, tiếp tục giữ vững các cam kết quốc tế với quan điểm phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển kinh tế theo chiều sâu để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo…, và tạo động lực thúc đẩy để nền kinh tế nước ta phát triển một cách bền vững.
phát triển xanh, phát triển bền vững là hai khái niệm, hai quan điểm phát triển phản ánh xu thế phát triển chung của thế giới. tuy nhiên, xác định là chủ trương, đường lối phát triển, nhưng tổ chức thực hiện cần quyết tâm chính trị rất lớn mà chỉ những chính đảng chân chính vì con người mới đủ quyết tâm. Đảng Cộng sản Việt Nam là một điển hình, không chỉ sớm xác định quan điểm phát triển xanh và bền vững trong đường lối lãnh đạo phát triển đất nước, mà còn thể hiện quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện bằng những nỗ lực vì con người.