Điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng

Văn kiện Đại hội XII của Đảng là kết quả lao động khoa học công phu, nghiêm túc, sự hội tụ, kết tinh tâm huyết, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước vận mệnh của quốc gia dân tộc; là cột mốc đánh dấu sự phát triển tư duy lý luận và sự trưởng thành vượt bậc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghiên cứu Văn kiện Đại hội XII của Đảng, chúng ta thấy có nhiều điểm mới; được kế thừa, bổ sung và phát triển từ những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện Đại hội XI; là sự đúc kết, khái quát luận điểm từ tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì lẽ đó, Văn kiện Đại hội XII tràn đầy hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động, chính xác các sự kiện, lĩnh vực, hoạt động đã và đang diễn ra trên thế giới, khu vực và ở nước ta. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, nguồn gốc, lý do và tính hợp lý của việc đề xuất các luận điểm mới được trình bày trong 15 vấn đề lớn của Báo cáo Chính trị và các nội dung khác của Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Chủ đề Đại hội XII (cũng là tiêu đề của Báo cáo Chính trị) là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ vì nó là vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định và là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các nội dung khác của Văn kiện Đại hội XII. Trong Chủ đề Đại hội, Đảng ta xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chủ đề Đại hội bao quát đầy đủ các vấn đề cốt lõi định hướng đường lối phát triển đất nước và là cơ sở hội tụ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Với 63 từ, được kết cấu bởi 5 thành tố, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động và quy định lẫn nhau; trong đó, thành tố về Đảng được xếp ở vị trí đầu tiên. 5 thành tố cấu thành Chủ đề Đại hội đồng thời cũng là 5 luận đề lớn, định hướng, chỉ đạo xuyên suốt 15 nội dung của Báo cáo Chính trị và các nội dung khác trong Văn kiện Đại hội XII; là cơ sở lý luận – thực tiễn để đề xuất các quan điểm mới trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của đời sống xã hội. Việc nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện các điểm mới về lý luận trong Văn kiện Đại hội XII nhất thiết phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc 5 thành tố – 5 mệnh đề lớn của Chủ đề Đại hội.

Một trong những điểm nhấn, cần chú ý trong chủ đề Đại hội là cụm từ “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Về điểm này, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị Đại hội cân nhắc bỏ từ “sớm” vì không rõ “sớm” là trước hay sau năm 2020. Đại hội XII đã phân tích và cho rằng: dùng từ “sớm” trong chủ đề Đại hội là nhằm khẳng định rõ ý chí quyết tâm phấn đấu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, “sớm” không có nghĩa là trước năm 2020. Sự khẳng định này phù hợp với định hướng phát triển đất nước nêu trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), thống nhất với mục tiêu phấn đấu lâu dài của đất nước ta là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và nhất quán với mục tiêu phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, đưa nước ta trở thành “nước công nghiệp hiện đại”.

 Đó là cơ sở khoa học khẳng định mục tiêu, định hướng cần phấn đấu đạt đến, giúp chúng ta chủ động hơn trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược, sách lược và các chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời phản ánh đầy đủ, sâu sắc khát vọng sống trong hoà bình, độc lập, tự do và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên không ngừng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Các luận điểm mới được trình bày trong Văn kiện Đại hội XII đều bám sát cơ sở lý luận – thực tiễn và phản ánh trung thành chủ đề Đại hội, rõ tầm nhìn đến 2030 và những thập niên tiếp theo.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII có nhiều điểm mới về nội dung, hình thức. Đáng quan tâm là Báo cáo Chính trị được kết cầu thành 15 vấn đề lớn, sắp xếp theo trình tự phát triển nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn. Khởi đầu là việc Đảng ta đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 – 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới 1986 – 2016; xác định mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 – 2020). Tiếp theo là trình bày các quan điểm về phát triển kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng, phát triển văn hoá, con người; quản lý phát triển xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Sau 15 vấn đề lớn là 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Nhìn chung, lôgíc kết cấu của Báo cáo Chính trị thể hiện rõ tính khoa học và cách mạng, bảo đảm sự cân đối, hài hoà, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng và đặc điểm hoạt động của từng lĩnh vực. Nếu tách, nhập, hoặc dồn, ghép vào một số mục lớn sẽ phá vỡ tính hệ thống, tính cân đối, khó nắm bắt, khó theo dõi các vấn đề. Đây cũng là những điểm rất mới dựa trên cơ sở kế thừa cách kết cấu Báo cáo Chính trị và Văn kiện Đại hội XI của Đảng. Nghiên cứu 15 nội dung của Báo cáo chính trị và Văn kiện Đại hội XII, chúng ta thấy rõ hơn bức tranh tổng quát về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Đây là cơ sở nền tảng, điểm xuất phát giúp chúng ta nghiên cứu, nhìn rõ hơn các luận điểm mới, sự phát triển lý luận trong Văn kiện Đại hội XII và từng vấn đề cụ thể một cách thuận lợi, dễ dàng hơn./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.