Quản lý phát triển xã hội và thực hiện công bằng xã hội
Quản lý phát triển xã hội là một tất yếu khách quan do vai trò không ngang bằng nhau của các hướng phát triển xã hội trong thời điểm hiện tại, do trình độ phát triển, do điều kiện khách quan của việc phát huy vai trò của các yếu tố chi phối đến xu hướng phát triển của xã hội quy định. Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới đã chỉ ra rằng quản lý phát triển xã hội là kiểu quản lý có hiệu quả, nó trả lời cho ba vấn đề chủ yếu. Một là, ở thời điểm hiện tại, các vấn đề xã hội và quản lý xã hội nào được ưu tiên; Hai là, xác định mức độ chính xác của các nhu cầu về nguồn lực cần có cho sự phát triển; Ba là, lợi ích của các chương trình, dự án, kế hoạch ưu tiên cho các vấn đề xã hội mang lại. Quản lý phát triển xã hội là kiểu quản lý kế hoạch chiến lược dài hạn, trung hạn, có luận chứng khoa học, cho phép điều phối các chương trình, dự án, huy động theo kế hoạch thống nhất; chỉ rõ những chương trình, dự án ưu tiên, tập trung vào hướng phát triển nào; giúp ngăn chặn suy thoái hoặc khủng hoảng xã hội.
Từ thực trạng các vấn đề xã hội ở nước ta hiện nay, Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội: “Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những bức xúc, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội…Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả công cuộc đổi mới. Mọi người đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”. Quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng về quản lý phát triển xã hội và thực hiện công bằng xã hội, cần nắm vững và thực hiện tốt các vấn đề dưới đây:
Thứ nhất, tạo sự thống nhất nhận thức với quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Cần khẳng định rằng, quan điểm của Đảng về phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội phản ánh bản chất nhân đạo, nhân văn của chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là làm cho con người ở những hoàn cảnh khác nhau đều được sống tự do, bình đẳng, bác ái được thực hiện những quyền cơ bản của mình. Xã hội Việt Nam đang đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn mà không ai có thể phủ nhận, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội bức xúc khác cũng đồng thời nảy sinh. Hiện có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như an toàn, an ninh, sức khoẻ cho con người, giảm bớt những rủi ro, tai nạn trong lao động, giao thông; dân số và việc làm; phân tầng xã hội và phân hoá giàu nghèo; giải quyết tệ nạn xã hội; các vấn đề về giáo dục, y tế…
Thực chất của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là nhằm giải quyết những vấn đề đó, góp phần thực hiện công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội, phát triển toàn diện con người, đảm bảo đất nước phát triển bền vững. Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là nhằm tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến làm chuyển đổi trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân với quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Phải thống nhất ý chí và hành động giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Bởi lẽ, ở nước ta, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là ba yếu tố cấu thành quan trọng nhất của hệ thống chính trị. Bất cứ nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội nào cũng phải được Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình, trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân. Chỉ có như vậy mới tập trung được toàn bộ sức mạnh của toàn xã hội vào quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội theo quan điểm của Đảng. Để làm tốt điều này, cần phải tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm vững quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Công tác nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục không chỉ tạo ra được chuyển biến về nhận thức mà còn chuyển đổi được thái độ, trách nhiệm đối với việc tổ chức, triển khai thực hiện quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở.
Thứ hai, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Kinh tế và các vấn đề xã hội là hai lĩnh vực khác nhau, song không tách rời nhau mà gắn bó mật thiết với nhau, đan xen vào nhau, tác động lẫn nhau, làm điều kiện tồn tại cho nhau. Trong mối quan hệ này những mục tiêu xã hội trở thành mục tiêu, động lực phát triển kinh tế. Ngược lại sự phát triển kinh tế là tiến đề và điều kiện vật chất cho thực hiện các mục tiêu xã hội. Do nhận thức không đúng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, đã có hiện tượng coi phát triển kinh tế chỉ là những chỉ tiêu lợi nhuận thuần tuý. Điều đó đã dẫn đến những tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bất chấp nhân phẩm và đạo lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong thu nhập và hưởng thụ; dẫn đến đạo đức, lối sống không lành mạnh, bệnh ích kỷ, thực dụng, coi thường trí tuệ và nhân cách. Trong phát triển kinh tế đều có các nội dung giải quyết các vấn đề cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, dân tộc, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo…. Vì vậy, phải hướng việc nâng cao lợi nhuận trong kinh tế vào các mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, văn hoá, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ người lao động, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và môi trường tự nhiên trong sạch. Các vấn đề này được giải quyết sẽ là nguồn lực của mọi nguồn lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Khắc phục xu hướng phát triển kinh tế đơn thuần, chỉ thuần tuý vì mục tiêu lợi nhuận, bất chấp những nhu cầu đòi hỏi và những mục tiêu của quản lý phát triển xã hội.
Thứ ba, thực hiện xã hội hoá, coi quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là sự nghiệp của toàn dân. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu mà các cấp, các ngành, mỗi tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị đất nước nhận thức đúng và đầy đủ, vai trò, tầm quan trọng, bản chất, thực trạng của quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thì mới tích cực, tự giác, có những chủ trương, giải pháp thực hiện. Theo đó, việc quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội phải được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; ở tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội.
Thực tiễn cho thấy, chỉ ở đâu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội có quan điểm đúng, có nhiệt tình, trách nhiệm, tập trung vào những vấn đề xã hội của cấp mình, ngành mình, địa phương mình thì quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội mới có kết quả thiết thực. Cần đề phòng và khắc phục nhận thức không đúng cho rằng việc quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước mà không phải trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội, của cộng đồng và mỗi cá nhân./.