Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ như sau: Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính. Như vậy, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XII đã thể hiện rõ những nội dung cơ bản đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai và thích ứng cũng như giảm thiểu đối với biến đổi khí hậu, phải có một chuyển biến cơ bản so với trước đây.

Đối với tài nguyên: Trên cơ sở các nguồn tài nguyên đã được xác lập, tiếp tục thực hiện điều tra cơ bản, biết được nguồn lực tài nguyên quốc gia có bao nhiêu về trữ lượng, chất lượng cũng như giá trị của các loại tài nguyên. Giá trị tiềm năng của các loại tài nguyên quốc gia, từ giá trị đã được xác định, cần phải thiết lập tài khoản, hạch toán tài nguyên trong nền kinh tế để có những chính sách khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Tuỳ thuộc vào từng loại tài nguyên có những biện pháp quản lý phù hợp trên cơ sở quan điểm, định hướng chung đã được nêu ra. Đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô, tất cả các loại khoáng sản phải qua chế biến và chế biến sâu mới được xuất khẩu, khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Đối với tài nguyên đất, cần đổi mới công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phù hợp với giai đoạn phát triển mới và biến động thị trường, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Tăng cường và đổi mới công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là đối với lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên nước và quản lý nguồn tài nguyên nước theo lưu vực sông, chủ động hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ lợi ích cũng như bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia.

Đối với nguồn lợi thuỷ sản, tăng cường bảo vệ, khai thác hợp lý, chấm dứt tình trạng khai thác có tính chất huỷ diệt. Khuyến khích và thúc đẩy phát triển, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến các nguồn nguyên, nhiên liệu mới, thay thế các nguyên, nhiên liệu truyền thống, đảm bảo chất lượng cao hơn giá cả cạnh tranh và tiết kiệm tài nguyên cho nền kinh tế.

Về bảo vệ môi trường: Vấn đề cơ bản đối với bảo vệ môi trường là ngăn chặn ô nhiễm, không để môi trường tiếp tục xuống cấp, phục hồi lại hệ sinh thái và đa dạng sinh học vốn có của tự nhiên. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp và có những chính sách phù hợp với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, nhất là tới đây chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, những qui định nghiêm ngặt về môi trường của Hiệp định TPP hai năm nữa có hiệu lực sẽ đặt ra những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, hàng hoá thân thiện với môi trường cũng như những qui định, tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường.

Quản lý môi trường cũng cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm những khu vực ô nhiễm trầm trọng gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, như khu vực nông thôn, các làng nghề, xung quanh các khu công nghiệp và ngoại thành các thành phố lớn. Những năm tới nhu cầu nguồn lực cho bảo vệ môi trường khá lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, do vậy cần đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực này, huy động từ các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức trong và ngoài nước.

Về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình kế hoạch trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa những rủi ro do thiên tai và tính dị thường của biến đổi khí hậu gây ra. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ trong dự báo, cảnh báo thiên tai và những diễn biến của thời tiết, tranh thủ nguồn tài trợ và sự giúp đỡ của quốc tế trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý và thực thi phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nhất là đối với các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và Duyên Hải miền Trung. Đối với giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thực thi cam kết của Việt Nam sau COP21 giảm 8% khí nhà kính, có những chính sách và biện pháp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

2 thoughts on “Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

  • 30 Tháng Chín, 2016 at 3:21 chiều
    Permalink

    quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ có giá trị, ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn mà còn chỉ ra sự cần thiết và hệ giải pháp thiết thực để tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới vì lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam, vì tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta. Đứng trước tình trạng tài nguyên bị cạn kiệt, suy thoái môi trường, cần phải kiên quyết và có các biện pháp thiết thực phù hợp, chung tay quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

    Reply
  • 6 Tháng Mười Một, 2018 at 2:55 chiều
    Permalink

    Quản lý môi trường cũng cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm những khu vực ô nhiễm trầm trọng gây ra nhiều bức xúc cho xã hội, như khu vực nông thôn, các làng nghề, xung quanh các khu công nghiệp và ngoại thành các thành phố lớn. Những năm tới nhu cầu nguồn lực cho bảo vệ môi trường khá lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, do vậy cần đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực này, huy động từ các doanh nghiệp, người dân và các tổ chức trong và ngoài nước.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.