Vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, theo nghĩa hẹp là bảo vệ ngoài biên giới lãnh thổ; còn theo nghĩa rộng là bao gồm cả bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ và cả bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa nguy, lấy việc phòng ngừa từ trước, chuẩn bị từ trước làm chủ yếu, theo phương châm không phải sử dụng chiến tranh là thượng sách.
Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới có hiệu quả cần tập trung làm tốt một số nội dung, biện pháp như sau:
Một là, xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, đủ sức ngăn đe các thế lực thù địch gây chiến tranh xâm lược.
Đảng lãnh đạo toàn bộ quá trình xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương chiến lược về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó tập trung xây dựng, hoạch định, phát triển hai chiến lược cơ bản, trọng yếu, mang tính tổng hợp và toàn diện nhất của quốc gia là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Phát triển kinh tế theo hướng đảm bảo tính độc lập, tự chủ, gắn kinh tế với quốc phòng trong một chiến lược bảo vệ Tổ quốc thống nhất. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo cốt vật chất cho bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Cần chủ động xây dựng nền quốc phòng vững mạnh về mọi mặt, chú trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Tiếp tục xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm chỗ dựa cho bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, kịp thời phát hiện, nắm được mọi ý đồ chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch ở trong nước và ở nước ngoài.
Để làm tốt giải pháp này cần chủ động xây dựng lực lượng an ninh nội địa vững mạnh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng mạng lưới tình báo quốc phòng, quân sự mạnh. Cần phát huy tốt chức năng, vai trò các cơ quan sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường giúp đỡ bà con Việt kiều trong sinh sống, làm ăn, trong giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc; phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước của bà con Việt kiều.
Sử dụng có hiệu quả các tổ chức và diễn đàn quốc tế vào đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền Việt Nam. Nâng cao khả năng đấu tranh pháp lý của các cơ quan đại diện Việt Nam trong Liên Hợp quốc trong tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế có liên quan đến Việt Nam. Tham gia thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thông qua đó tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba là, tăng cường “tự bảo vệ” trong nội bộ các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư.
Cần tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân; xây dựng hệ thống chính quyền Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, xây dựng các cộng đồng dân cư đoàn kết, có văn hoá. Đẩy mạnh việc “Tự bảo vệ” về chính trị – tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không bị tha hoá, biến chất, không để kẻ địch lợi dụng chống phá. Kiên quyết chống đa nguyên, đa đảng, không để hình thành phe phái, đảng phái đối lập, chia rẽ về ý thức hệ, quan điểm.
Bốn là, thực hiện chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc để thêm bạn, bớt thù, tăng đối tác, giảm đối tượng chống phá Việt Nam.
Để làm tốt điều này cần:
Thứ nhất, xây dựng tốt mối quan hệ hoà bình, hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa; các nước có khuynh hướng phát triển lên xã hội chủ nghĩa; các nước có thiện chí với Việt Nam; sử dụng tốt các mối quan hệ này để đấu tranh chống các thế lực thù địch với Việt Nam. Khai thác tốt mọi sự giúp đỡ của các nước này trong bảo vệ Tổ quốc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng mối quan hệ láng giềng với các nước xung quanh như Trung Quốc, Lào, Cămpuchia theo tinh thần láng giềng thân thiện, anh em đoàn kết, quốc gia hữu nghị, cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ Tổ quốc; không làm tổn hại mối quan hệ láng giềng.
Thứ ba, xử lý khôn khéo vấn đề “đối tác”, “đối tượng”, “bạn”, “thù” với các nước, kể cả với các nước có vấn đề trong lịch sử với Việt Nam.
Năm là, xây dựng các điều kiện đảm bảo cho bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa có kết quả.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, muốn có kết quả phải có điều kiện về vật chất, tinh thần của quốc gia. Vì vậy, cần phải phát triển, phát huy mạng lưới đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao, hệ thống tình báo, cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại trên các cấp độ, cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Trong ngoại giao Nhà nước đầu tư xây dựng đối ngoại quốc phòng, đối ngoại quân sự đủ sức làm nòng cốt tổ chức, tập hợp lực lượng quốc tế tham gia bảo vệ Tổ quốc Việt Nam theo hướng thích hợp.
Cần đầu tư kinh phí xây dựng các lực lượng khác ở trong và ngoài nước tham gia bảo vệ Tổ quốc, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhà nước và phi nhà nước đối với nhân dân, quân đội, chính phủ, quốc hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, loại trừ các âm mưu chống phá Việt Nam từ bên ngoài.
Tiếp tục hiện đại hoá quân đội, đủ sức bảo vệ các mục tiêu từ xa trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam (ở ngoài khơi xa, ở biên giới). Khi chiến tranh xảy ra, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu quân xâm lược ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.