Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

1. Một số chủ trương của Đại hội XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Tiếp tục thực hiện chủ trương chung về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được xác định từ nhiệm kỳ Đại hội XI, Đại hội XII đã có những phát triển mới về lý luận mang ý nghĩa đột phá, nêu rõ hơn định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trong Đại hội XII

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp có hiệu quả cao hơn cả sự phát triển kinh tế theo chiều rộng và sự phát triển kinh tế theo chiều sâu: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Đại hội XII xác định các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế chủ yếu là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp”.

Đại hội XII xác định động lực và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Về định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”.

Đại hội XII khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực. Cụ thể là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo; phát triển các vùng và khu kinh tế, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp.

2. Một số yêu cầu cơ bản trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Yêu cầu đối với tư duy của các cấp chính quyền khi ban hành chính sách

Trước hết, cần tiến hành đổi mới mô hình tăng trường và cơ cấu lại nền kinh tế bắt đầu từ tư duy của các cấp chính quyền nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách, trong đó quan trọng nhất là hệ thống ngân sách, chính sách tài khoá, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

Yêu cầu đối với vấn đề cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công

Giảm nhanh quy mô đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước, xoá bỏ triệt để các mệnh lệnh hành chính của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các chủ thể kinh tế trong nước phải cho vay, khoanh nợ, giãn nợ hay xoá nợ đối với doanh nghiệp nhà nước; đồng thời phải có biện pháp, chế tài cụ thể để buộc lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải tìm ra biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu đối với vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Minh bạch đến mức tối đa có thể những hoạt động của doanh nghiệp nhà nước bằng cách công khai báo cáo kiểm toán của tất cả các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tăng cường sự giám sát của các nhà chuyên môn cũng như toàn xã hội.

Yêu cầu đối với vấn đề cơ cấu lại và thực thi chính sách, kỷ luật tài khoá

Thay đổi cơ cấu kinh tế, cần bắt đầu với chính sách tài khoá, để thay đổi chính sách tài khoá cần bắt đầu với kỷ luật tài khoá.

Để tăng cường kỷ luật tài khoá, cần ưu tiên thực hiện một số chính sách. Đó là, gộp các khoản chi trong và ngoài ngân sách trong một ngân sách hợp nhất để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Xác định một lộ trình bất di bất dịch để đưa thâm hụt ngân sách về mức bền vững, dưới 3%. Giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng tăng thu hay tận thu như hiện nay mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu. Kiên định với chính sách tài khoá chu kỳ, tức là chính phủ chỉ tăng đầu tư khi tổng cầu có dấu hiệu suy giảm do khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình không đầu tư và chi tiêu như kỳ vọng.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.