Vấn đề kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh
Kế thừa quan điểm Đại hội XI và các đại hội trước đó, Đại hội XII của Đảng phát triển tư duy lý luận về kết hợp kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong tình hình mới.
Đại hội XII của Đảng xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội…”. Quan điểm này bao hàm trong đó việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương kết hợp, đồng thời bổ sung thêm yếu tố “văn hóa” trong sự kết hợp đó cho phù hợp với thực tiễn đã và đang diễn ra hiện nay.
Trước Đại hội XII, trong các văn kiện của Đảng chỉ đề cập đến sự kết hợp của các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Tại Đại hội XI, Đảng ta xác định: “Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội…”. Đến Đại hội XII, Đảng ta bổ sung yếu tố văn hoá, xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội…”.
Việc đưa yếu tố văn hoá là một thành tố của sự kết hợp thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo qua điểm của Đảng: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đồng thời, không những Đảng ta nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hoá đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn yêu cầu phải gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ đó. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “… gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá – nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.
Theo đó, mỗi bước phát triển kinh tế – xã hội phải là một bước tạo điều kiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trong xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh phải tính đến phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển văn hoá. Trong phát triển văn hoá phải chú ý đến việc gia tăng sức mạnh quốc phòng, phục vụ cho việc xây dựng và phát huy các tiềm lực quốc phòng, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần. Mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau giữa kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh phải được nhận thức đầy đủ và xử lý đúng đắn trong thực tiễn trên các lĩnh vực.
Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh không chỉ trong các hoạt động hiện hữu mà còn kết hợp ngay từ khâu hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo đảm cho sự kết hợp đó được thực hiện từ trong tiềm năng. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, tại Đại hội XI, Đảng ta xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội…”. Trên cơ sở kế thừa quan điểm của Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội,…”.
Việc kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội ngay từ bước xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sẽ tạo tiền đề, khả năng kết hợp trên thực tế; đồng thời, còn bảo đảm cho việc kết hợp đó diễn ra một cách cơ bản lâu dài, thống nhất trong phạm vị cả nước cũng như trong từng bộ ngành và địa phương.
Thực hiện quan điểm Đại hội XII của Đảng về kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội phải với gắn với chiến lược quốc phòng, an ninh. Sự kết hợp này được biểu hiện hiện trong xác định mục tiêu, trong huy động các nguồn lực, lựa chọn các giải pháp để phát huy sức mạnh của từng lĩnh vực, quy tụ mọi nguồn lực, lực lượng trong nước và quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới mà Đại hội XII của Đảng đã xác định.
Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, còn đòi hỏi sự bố trí chiến lược về kinh tế phải phù hợp với thế bố trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kết hợp yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với yêu cầu của quốc phòng, an ninh trong sự phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội trên phạm vi cả nước.
Đại hội XII cũng nhấn mạnh: chú trọng kết hợp kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đây là vấn đề nhất quán trong chủ trương của Đảng. Tại Đại hội XI, Đảng ta xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế…; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Kế thừa quan điểm Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh việc kết hợp phải “chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”, bởi đây là những địa bàn trọng yếu, nhạy cảm có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hiện nay ở nước ta, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới là nơi trú, sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc ít người, mật độ dân số và trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển, đời sống dân cư còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng những hạn chế về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng này để lôi kéo, kích động đồng bào nhằm đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ … Vì vậy, về trước mắt cũng như lâu dài phải kết hợp thật tốt phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới
Vùng biển, đảo nước ta có nhiều tiềm năng về hải sản và khoáng sản, là cửa ngõ thông thương giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, và có khả năng phát triển một số ngành mũi nhọn của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế đó của ta còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là, hiện nay tình hình tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, chứa đựng nguy cơ đe doạ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc và rất dễ bùng nổ xung đột. Vì vậy, việc quan tâm thực hiện sự kết hợp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo là vấn đề rất quan trọng, nhằm tạo ra thế và lực của đất nước đủ sức bảo vệ và làm chủ toàn diện vùng biển, đảo, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.
Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội là nền tảng vững chắc để tăng cường quốc phòng, an ninh. Kết quả của việc tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ lại là nhân tố bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đó là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết hợp kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong tình hình mới la sự kế thừa và phát triển tư duy lý luận một cách đúng đắn, sáng tạo của Đại hội XII. Sự kết hợp đồng bộ, vững chắc giữa 3 nhân tố này không chỉ tạo điều kiện tiền đề cho mỗi nhân tố ổn định, phát triển mà còn gáp phần vào sự ổn định, phát triển chung của toàn xã hội.
Quan điểm của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội…” vừa là phương hướng xây dựng đất nước song đồng thời cũng là phương hướng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Bởi một khi nước đã mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa thì không một thế lực thù địch nào có thể xâm phạm.