Vấn đề quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Tại Đại hội XII, Đảng đã xác định những định hướng lớn nhằm thực hiện chủ trương phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” là một trong những định hướng lớn đó.

Quản lý phát triển xã hội – tư duy mới của Đảng trong lãnh đạo đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các kỳ đại hội trước, Đảng ta đã xác định những nội dung lãnh đạo phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh và chỉ ra rằng, để phát xã hội bền vững phải thực hành quản lý phát triển xã hội. Thực tiễn 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng ta nhận thức rõ rằng, phải kịp thời có những chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Để lãnh đạo, điều hành toàn diện công cuộc phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước phải thực hành quản lý phát triển xã hội. Quản lý phát triển xã hội để phát triển xã hội bền vững, quá trình phát triển của đất nước không chệch hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Quản lý phát triển xã hội giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm những nội dung chủ yếu:

Một là, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội; bảo đảm sự hài hoà về lợi ích, về quan hệ xã hội. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng ta chủ trương xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Trong nền kinh tế thị trường, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế và nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội. Cơ cấu, tính chất, vị trí, vai trò, lợi ích của các giai tầng trong xã hội có sự thay đổi cùng với những biến đổi kinh tế, xã hội. Mối quan hệ giữa các giai tầng xã hội là vừa hợp tác vừa đấu tranh trong nội bộ nhân dân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có các phương thức để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi giai tầng xã hội cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực hành quản lý phát triển xã hội trong nền kinh tế thị trường, trong thời kỳ quá độ, trước hết phải ban hành và thực hiện tốt các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội, để điều hoà các lợi ích xã hội và các quan hệ xã hội. Qua đó mà tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh dân tộc được khơi dậy và phát huy trên cơ sở ban hành và thực hiện những chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội.

Tính ưu việt của con đường phát triển đất nước mà chúng ta đang dựng xây thể hiện ở việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn cho tất cả mọi người trong xã hội, không để diễn ra sự chênh lệch quá đáng về mức sống, về trình độ phát triển giữa các tầng lớp dân cư. Quản lý phát triển xã hội để hạn chế sự tác động của “vòng xoáy giàu nghèo”, điều hoà các quan hệ xã hội, không để hình thành, phát triển quan hệ xã hội mang tính đẳng cấp, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển.

Hai là, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, kịp thời kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội; đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là một trong những mục tiêu về quốc phòng, an ninh mà Đảng ta xác định từ các kỳ đại hội trước và tiếp tục khẳng định tại Đại hội lần thứ XII.

Những năm tới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ta ngày càng tăng lên, thời cơ và vận hội phát triển mở rộng. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, nhiều vấn đề xã hội, mâu thuẫn xã hội cần phải tập trung giải quyết.

Cũng cần nhận thức rõ rằng, trong tiến trình phát triển của đất nước, việc nảy sinh những mâu thuẫn xã hội là điều khó tránh khỏi. Đó là một phần của cuốc sống, của sự phát triển. Vấn đề đặt ra là, sớm phát hiện và kịp thời giải toả các mẫu thuẫn, không để dẫn đến xung đột xã hội, làm rạn nứt đoàn kết và đồng thuận xã hội. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định đòi hỏi phải kịp thời nắm bắt, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, kịp thời kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn xã hội, giải toả các xung đột xã hội. Thực tiễn đã cho thấy, đất nước ổn định thì xã hội phát triển, phồn vinh. Không giữ được xã hội trong trạng thái ổn định thì khó có thể huy động sức mạnh cho dựng nước và giữ nước. Đất nước rơi vào trạng thái không ổn định là một điều kiện thuận lợi, là thời cơ để các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh, giữ vững ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

Những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có những diễn tiến phức tạp, làm mất trật tự xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn xã hội. Tội phạm, tệ nạn xã hội là một yếu tố gây nên sự mất ổn định xã hội. Tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng thì tình trạng xã hội không ổn định gia tăng. Vì thế, để giữ vững ổn định xã hội phải đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đây là một nội dung quan trọng trong quản lý phát triển xã hội.

Đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội gắn chặn với đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong xã hội, đồng thời phải đẩy mạnh việc bồi đắp lối sống tốt đẹp, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn. Chống và xây, xây và chống gắn kết với nhau, là nhân quả của nhau. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn, cao về trí tuệ; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, gắn chặt chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt an sinh xã hội. Đại hội XI của Đảng xác định: thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển. Tại Đại hội XII, Đảng nhấn mạnh phải “gắn chặt” chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân. Nó thể hiện tư duy về quản lý phát triển xã hội của Đảng. Nếu chính sách kinh tế không gắn chặt với chính sách xã hội, phát triển kinh tế không gắn với nâng cao đời sống nhân dân thì tiến bộ, công bằng xã hội không thể được thiết lập, theo đó mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh khó trở thành hiện thực. Thực hiện được sự gắn kết đó, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá được thực hiện tốt, công tác an sinh xã hội sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tại Đại hội XII, Đảng yêu cầu phải nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững, của quản lý phát xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung của quản lý phát triển xã hội được xác định toàn diện, phong phú, vừa khái quát, vừa cụ thể. Nó thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn tư duy lý luận và tư duy thực tế của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Thực hiện đúng, đủ, tốt những nội dung đó sẽ góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.