Vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay
Kế thừa truyền thống của dân tộc và từ những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân…”.
1. Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là xây dựng, quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, ý chí của toàn dân để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước nhằm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hoà. Nhân hoà là thế nào? Nhân hoà là tất cả mọi người đều nhất trí”. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân”, nhưng quan điểm của Người đã nhấn mạnh vai trò quyết định của “lòng dân” đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng chưa đề cập đến cụm từ “thế trận lòng dân”, nhưng thực tế trong nhiều văn kiện của Đảng đã dùng cụm từ “trận địa lòng dân”. Đó chính là cơ sở để Đảng xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Có thể thấy tư duy của Đảng ta từ Đại hội X đến Đại hội XII về xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc thể hiện rõ:
Mục đích xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm tạo cơ sở, nền tảng chính trị – tinh thần để huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu dựng nước và giữ nước. Chủ thể xây dựng “thế trận lòng dân” là các lực lượng đại biểu cho dân tộc Việt Nam, trong đó có một chủ thể đủ điều kiện, năng lực và uy tín đứng ra để khơi dậy, quy tụ lòng dân vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam; chủ thể quản lý quá trình xây dựng, phát triển nền quốc phòng toàn dân là Nhà nước. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân cũng bao hàm xây dựng “thế trận lòng dân”. Đó chính là sự khơi dậy, quy tụ, phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của toàn dân, đáp ứng yêu cầu của thế trận toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
“Thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân chính là thế bố trí chiến lược bảo vệ Tổ quốc dựa vào trạng thái tinh thần đồng lòng, sẵn sàng xả thân vì nước của toàn dân. Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân không thay thế các chiến lược khác mà nó làm nền tảng để xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch khác của Đảng và Nhà nước. Trong tình hình mới, Đảng ta xác định mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh hiện nay là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.
2. Để góp phần thực hiện quan điểm của Đảng trong văn kiện Đại hội XII về xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, cần coi trọng thực hiện một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Đặc điểm cơ bản và bản chất của nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân là được xây dựng dựa trên sức mạnh của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch đang ráo riết tiến hành chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những hướng tấn công chủ yếu của chúng là đánh vào lòng người, làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho nhân dân không tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó việc nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân phải được quán triệt sâu sắc trong tất cả các cấp lãnh đạo và mọi người dân Việt Nam; phải xác định đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, chứ không phải là công việc của riêng Quân đội hay Công an.
Thực hiện nội dung này cần chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về quốc phòng và an ninh trong điều kiện mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nước ta.
Thứ hai, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân”.
Thực tiễn các cuộc chiến tranh đã xảy ra luôn là sự thử thách toàn diện sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, trong đó sức mạnh “lòng dân” giữ vai trò quyết định đến thành bại của chiến tranh. Vì vậy, trong thời kỳ mới, Đảng phải luôn coi trọng xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội làm điểm tương đồng, từ đó quy tụ mọi công dân vào mặt trận đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện tốt vấn đề này cần tăng cường củng cố khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức – lực lượng nòng cốt của mặt trận dân tộc thống nhất. Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; củng cố vững chắc hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, nhất là cơ sở, để thật sự gần dân và hiểu dân.
Thứ ba, giải quyết lợi ích của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội một cách hài hoà, thiết thực, hiệu quả.
Giải quyết lợi ích của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam một cách hài hoà là yếu tố cơ bản tạo cơ sở cho sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, đồng thuận xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, các lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân đan xen nhau, trong đó lợi ích cá nhân trở thành động lực trực tiếp. Vì vậy, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XII về quốc phòng, an ninh, mà trực tiếp là quan điểm xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, Nhà nước cần hết sức quan tâm chăm lo đến lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, lợi ích của các tổ chức kinh tế, xã hội; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách để bảo đảm mọi thành viên, mọi tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật trong phát triển sản xuất, tổ chức đời sống; phải gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân. Đồng thời, có biện pháp hữu hiệu đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, kiên quyết làm lành mạnh các quan hệ xã hội, tạo sự bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thế trận lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để chúng ta bảo vệ và xây dựng đất nước. Muốn cho bức tường thành này ngày càng vững chắc và không ngừng được củng cố, phát huy, không có con đường nào khác ngoài con đường “khoan thư sức dân”, chăm lo cho đời sống nhân dân ngày càng giàu mạnh, để mỗi người dân thực sự là người chủ, được tự do, hạnh phúc trên mảnh đất quê hương mình.
Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất, sự đồng lòng của toàn dân làm nền tảng để thực hiện toàn dân giữ nước là nét đặc sắc, là quy luật giành thắng lợi trong công cuộc giữ nước Việt Nam. Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi chúng ta phải xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, trong đó sức mạnh chính trị – tinh thần, sự đồng lòng của toàn thể dân tộc là nhân tố nền tảng.