Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo quan điểm Đại hội XII của Đảng

Đại hội XII, quan điểm của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có bước phát triển mới. Đại hội XII chủ trương: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược… cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… là nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020. Trong văn kiện Đại hội XII, thành tố “cơ cấu kinh tế” đứng trước thành tố “đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Tăng trưởng kinh tế là một nội dung kinh tế cốt lõi của phát triển kinh tế, một chỉ số quan trọng phản ánh trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia trong mỗi thời kỳ nhất định. Vì thế, trong văn kiện Đại hội XII, thành tố cơ cấu lại nền kinh tế đứng trước thành tố đổi mới mô hình tăng trưởng chẳng những khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cơ cấu kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế, mà còn phản ánh sự phát triển nhận thức cũng như lý luận của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện hiện nay.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những thành tựu lý luận quan trọng, được tổng kết từ thực tiễn đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội XII đã cụ thể hoá mối quan hệ giữa cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng với những nội dung lý luận quan trọng. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; muốn cơ cấu lại nền kinh tế đúng hướng và đạt hiệu quả, phải gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, khi xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020, Đại hội XII của Đảng xác định: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược… cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…; hoặc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Với cách diễn đạt như trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, thì mối quan hệ giữa cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tạo tiền đề, điều kiện cho nhau, không thể tách rời. Tính biện chứng của mối quan hệ này được diễn đạt bởi cụm từ: cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là sự cụ thể hoá quan điểm phát triển bền vững xuyên suốt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020. Cơ cấu lại nền kinh tế là sự thay đổi một cách căn bản việc huy động và phân bổ các nguồn lực nhằm đạt hiệu quả hơn; đổi mới mô hình tăng trưởng là sự thay đổi căn bản cách thức, động lực bảo đảm sự tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Để nền kinh tế thị trường phát triển bền vững đòi hỏi phải thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Điều đó cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong văn kiện Đại hội XII là yếu tố của sự phát triển bền vững nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những phát triển mới rõ rệt, theo hướng đồng bộ, toàn diện hơn. Về mô hình tăng trưởng. Đại hội XII của Đảng nhận định: Mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ mô hình tăng trưởng mới: kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động… Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước có ý nghĩa rất quan trọng.

Mô hình tăng trưởng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là mô hình tăng trưởng không chỉ bảo đảm sự hài hoà, hợp lý, hiệu quả hơn giữa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu, mà còn chỉ rõ phát triển chiều sâu sẽ được chú trọng hơn. Đó là sự phát triển mới về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020.

Về cơ cấu lại nền kinh tế, Đại hội XII của Đảng chủ trương: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng… Sự phát triển lý luận về cơ cấu lại nền kinh tế ở Đại hội XII của Đảng là ở chỗ, việc cơ cấu lại nền kinh tế được tiến hành đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực.., tập trung vào các lĩnh vực quan trọng. Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng vừa mang tính đồng bộ, tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.