Về tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Quan điểm Đại hội XII đã thể hiện rõ sự đổi mới tư duy của Đảng khi đánh giá về những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm về quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và đề ra phương hướng, nhiệm vụ có tính chiến lược, hệ thống sát với tình hình, điều kiện đất nước, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như khả năng kiểm soát, điều tiết của Nhà nước trong tình hình, điều kiện mới.
Thứ nhất, xác định tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là vấn đề có vị trí quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định những thành tựu đạt được trong tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều nội dung mới được xác định như nhận thức về chuẩn nghèo đa chiều; giảm nghèo gắn với phát triển hài hoà, bền vững; kiểm soát xung đột xã hội; chính sách bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Triển khai, thực hiện một số chính sách phù hợp để quan tâm các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện các chính sách phòng ngừa rủi ro, tạo sinh kế cho đối tượng yếu thế có nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, việc quan tâm đến các đối tượng diện chính sách xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần khẳng định kết quả quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong đời sống nhân dân.
Đồng thời, Đại hội XII cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được che đậy bởi những con số, chỉ báo thiếu khách quan, trung thực dẫn đến hệ quả “Sự phát triển các lĩnh vực, các vùng, miền thiếu tính đồng bộ. Việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả; mục tiêu xây dựng quan hệ hài giữa các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền chưa đạt yêu cầu”, trong khi đó việc giải quyết một số vấn đề xã hội tồn đọng còn để dây dưa kéo dài. Việc bảo đảm mục tiêu xây dựng quan hệ hài hoà giữa các lĩnh vực, các ngành nghề, các vùng miền chưa tốt, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Biện pháp hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm nghèo có liên quan mật thiết đến tiến bộ, công bằng xã hội chưa đặt hiệu quả thiết thực, trên thực tế việc “giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng”. Có biểu hiện chưa nhận thức đầy đủ về quản lý phát triển xã hội nên chưa có cơ chế, chính sách và giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi cơ cấu xã hội, các mâu thuẫn bất đồng thuận xã hội nảy sinh, hạn chế phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, đặc biệt là thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn xã hội, an ninh cho con người. Chưa thể chế hoá và chưa có sự quản lý thống nhất ở cấp vĩ mô về phát triển xã hội bền vững. Chưa chú ý đúng mức đến tác động của việc tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong hệ thống văn bản pháp lý về phát triển của từng ngành, từng địa phương và cả nước. Do vậy cần thiết phải tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong quá trình phát triển của đất nước.
Thứ hai, việc tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có liên quan chặt chẽ với việc quản lý phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm nâng cao thu nhập vì sự tiến bộ, công bằng xã hội cho người lao động
Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: để tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay cần phải chú trọng giải quyết vấn đề phát triển nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, trong đó Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị phải quan tâm “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng đủ điều kiện sống và tái sản xuất lao động”.
Yêu cầu thực tiễn đặt ra là phải tập trung giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp – người lao động, tránh để xảy ra tranh chấp lao động, dẫn đến đình công, biểu tình…, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đồng thời, chú trọng bảo đảm các điều kiện để người lao động Việt Nam có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, vừa giải quyết được việc làm, vừa tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Thứ ba, tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hài hoà, bền vững với bảo đảm an sinh xã hội
Đây là bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện quyết tâm “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dân tộc, tôn giáo để giải quyết vấn đề xã hội. Nhận thức của toàn xã hội về tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được nâng lên. Hệ thống pháp luật và chính sách được bổ sung nhằm điều tiết các quan hệ xã hội”. Trong đó, tiến bộ, công bằng xã hội được hiểu theo nghĩa rộng hơn bao gồm cả yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và phụ thuộc vào điều kiện, khả năng quản lý phát triển kinh tế – xã hội.
Biểu hiện sự công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ công dân, về phân phối thu nhập và cơ hội tiếp cận nguồn lực… Nét mới trong quan điểm Đại hội XII là xác định rõ giữa phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có quan hệ biện chứng, hài hoà với nhau theo yêu cầu “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”. Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội là điều kiện, tiền đề thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và ngược lại thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là động lực thúc đẩy bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm thực hiện an sinh xã hội.
Có thể khẳng định, so với nội dung các văn kiện của Đảng khoá XI trở về trước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có sự phát triển mới, toàn diện cả lý luận lẫn thực tiễn về tăng cường quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước ta trong tình hình, điều kiện mới. Việc xác định đúng tầm quan trọng và đánh giá chính xác những kết quả, hạn chế đã tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức, định hướng giải pháp quản lý phát triển xã hội, kết hợp hài hoà với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội chính là động lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.