Về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Sự phát triển mới của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XII biểu hiện ở một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật.

Đảng ta đã thể chế hoá vai trò, quyền lãnh đạo, địa vị cầm quyền, chế định, hiến định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng. Đảng ta lãnh đạo Nhà nước không có mục đích nào khác là đem lại quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt, ra lệnh, bao biện làm thay công việc của Nhà nước.

Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng quan điểm, đường lối chính trị và cầm quyền lãnh đạo bằng pháp luật. Đảng ta khẳng định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền”. Nhà nước thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện thông qua bộ máy nhà nước, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội của nhân dân; luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ quyền con người.

Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cả phương diện chính trị và pháp lý; đồng bộ cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước theo hướng ngày càng thực hiện và mở rộng dân chủ trong quan hệ Đảng – Nhà nước – Nhân dân. Vì vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn bảo đảm cho nhà nước tồn tại để phục vụ nhân dân, chứ không phải nhân dân tồn tại để phục vụ nhà nước; Nhà nước pháp quyền đó thực sự của dân, do dân, vì dân.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XII của Đảng xác định: “Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước. Chú trọng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phân định rõ chức năng của các cơ quan nhà nước, nhất là ở Trung ương, giảm bớt sự chồng chéo.

Thứ ba, hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Hoàn thiện tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong đó, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước được coi trọng. Khẳng định về sự thống nhất của quyền lực nhà nước trong phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước cả trong lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; kịp thời thể chế hoá đường lối của Đảng bằng các đạo luật, nghị quyết, pháp lệnh. Đảng xác định: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước”.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Phối hợp hoạt động giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan Trung ương và giữa Chính phủ với chính quyền địa phương. Thông qua đó, Quốc hội kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động và cơ chế điều hành của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng.

Xác định đúng vị trí, chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp trong mối liên hệ với khâu trung tâm là xét xử theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dân chủ, minh bạch, theo tinh thần độc lập, khách quan, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, đúng nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật, xét xử công minh, công khai, đúng người đúng tội, khắc phục tình trạng oan sai và tính không nghiêm minh trong xét án, định án và thi hành án. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của toà án, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hướng gần dân hơn và phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Thứ tư, Đảng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức”. Đảng bố trí cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đồng thời, “xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài” với thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức là đảng viên và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Đảng ta còn xác định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm” kết hợp với đấu tranh phòng, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Những nội dung cơ bản trên đây cho thấy, Đại hội XII của Đảng đã tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại và có sự phát triển mới về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là, những bước tiến khẳng định bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa của chế độ ta trên cả pháp lý và nhân văn./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.