Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.
Quốc phòng là công việc giữ nước của quốc gia. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, từng bước hiện đại để đủ sức giữ vững hoà bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh là nền an ninh nhân dân có đủ sức đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hai lĩnh vực quốc phòng và an ninh có mối quan hệ chặt chẽ, tác động biện chứng với nhau.
Quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh trên cả phương diện tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và hoạt động thực tiễn, được đặt trong tổng thể chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời tạo thuận lợi cho sự phát triển nền an ninh nhân dân. Ngược lại, nền an ninh nhân dân vững chắc là điều kiện để tăng cường sức mạnh quốc phòng, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn gây mất an ninh, ổn định chính trị – xã hội của các thế lực thù địch. Quá trình xây dựng lực lượng và thế trận nền quốc phòng toàn dân có quan hệ chặt chẽ với xây dựng lực lượng và thế trận của nền an ninh nhân dân và ngược lại. Đó là một quá trình thống nhất, biện chứng, phản ánh nội dung và yêu cầu cơ bản việc xây dựng lực lượng và thế trận của cả hai lĩnh vực “trọng yếu, thường xuyên” này ở nước ta hiện nay.
Vì vậy, quan điểm Đại hội XII của Đảng nêu ra về “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”. Quan điểm đó của Đảng đòi hỏi việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải luôn gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, nhằm đủ sức mạnh để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược với mọi quy mô, tình huống; tăng cường khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng quá trình hợp tác kinh tế, đầu tư, làm ăn với nước ta để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nội bộ ta; đồng thời, không gây cản trở với các nước và các tổ chức quốc tế hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực. Do đó, việc Đảng ta nêu ra quan điểm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc cũng chính là hiện thực hoá quan điểm coi quốc phòng và an ninh là vấn đề “trọng yếu, thường xuyên”, có tính quy luật tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn chú trọng tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với lực lượng và thế trận an ninh nhân dân, được tổ chức, bố trí phù hợp trên từng hướng, từng địa bàn chiến lược và từng địa phương. Quan điểm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tạo cơ sở pháp ký quan trọng để xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh. Quan điểm đó phản ánh sâu sắc sự đổi mới tư duy của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nghị quyết, chỉ thị về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, như: Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ… Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh”. Điều đó đòi hỏi nội dung, yêu cầu và biện pháp xây dựng, cả về cơ chế quản lý, điều hành và hoạt động trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) phải có sự đổi mới tư duy để không tăng gánh nặng cho nền kinh tế đất nước, mà vẫn đảm bảo thực hiện được kế sách giữ nước “trong ấm, ngoài êm” của nước ta. Quan điểm mới nêu trong văn kiện Đại hội XII của Đảng về “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” không những nâng cao vai trò và tính chủ động chiến lược của việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trong xây dựng và hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân trong từng vùng chiến lược và phạm vi cả nước; mà còn tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Quan điểm của Đảng ta nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc thể hiện sự phát triển tư duy về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế hiện nay có những diễn biến mới. Quan điểm đó của Đảng làm cơ sở để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta triển khai thực hiện tốt mục tiêu trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh hiện nay là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Quan điểm của Đảng về “xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thực sự phương sách đúng đắn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là vấn đề lý luận mới song đồng thời cũng là bài học quý, kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc hàng đầu của cha ông ta hàng nghìn năm qua.
Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước chúng ta không được một chút lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc – đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt. Vấn đề xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của chính nghĩa, của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, của tất cả các lực lượng, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế … là những vấn đề rất cơ bản để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt tham mưu, hướng dẫn, triển khai, thực hiện; lấy địa bàn khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… làm cốt lõi để triển khai lực lượng, phương tiện và biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản và quan trọng trong tình hình hiện nay.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Vững lòng quân, yên lòng dân chìa khóa thành công trong dựng nước và giữ nước
“Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá
Non sông vạn thủa vững âu vàng”
Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, đồng thời là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cần được quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Mỗi người hãy nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân gắn với “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” góp phần chung tay bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN
Đảng ta nêu ra quan điểm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc cũng chính là hiện thực hoá quan điểm coi quốc phòng và an ninh là vấn đề “trọng yếu, thường xuyên”, có tính quy luật tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đúng thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.