Đã là nguyên tắc phải thực hiện nghiêm
Muốn xây dựng Đảng thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức như Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh, nhất thiết phải giữ vững và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng phải gắn chặt với việc đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện xa rời nguyên tắc này. Đó yêu cầu khách quan. Để có thể phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn Đảng, của tất cả các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên với nhiều giải pháp toàn diện và đồng bộ, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chính sau:
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc này trong tình hình mới. Hiểu sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ là quy định của Đảng, đồng thời là quy luật vận động và phát triển của Đảng. Quán triệt sâu sắc quan điểm của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như của Đảng ta về nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo V.I.Lênin, “Chế độ tập trung hiểu theo nghĩa thực sự dân chủ, đã bao hàm khả năng – khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên – phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”[2].
Nhận thức đúng đắn bản chất, yêu cầu, nắm chắc nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ trong Điều lệ Đảng, coi đó là nền tảng, cơ sở khoa học cho mỗi đảng viên bảo vệ Đảng và phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhận thức rõ, tập trung dân chủ có nghĩa là tất cả các cơ quan đảng phải do bầu cử mà ra và hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, thực hiện chế độ báo cáo, định kỳ thông báo tình hình hoạt động đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu song phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đảng. Tập trung dân chủ có nghĩa là kỷ luật nghiêm ngặt và thống nhất đối với toàn thể đảng viên; là sự phục tùng ý chí và nghị quyết của đa số, các cơ quan cấp dưới phải chấp hành quyết định của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên. Tập trung dân chủ đảm bảo cho công tác và sự lãnh đạo của Đảng được tập trung, đoàn kết, tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. Cùng với việc quán triệt bản chất, yêu cầu, nội dung, vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ, phải đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện nguyên tắc đó một cách toàn diện. Trên cơ sở đó, thực hiện nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp và hiệu quả; tạo cơ sở lý luận và chính trị tư tưởng cho việc đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ bằng những văn bản hướng dẫn cụ thể, để mọi tổ chức và đảng viên thực hiện. Hệ thống quy chế, quy định đồng bộ, nhất quán trong cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở để quản lý, điều chỉnh các hành vi, hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống những biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Cần tiến hành rà soát lại các quy định, quy chế, tìm ra những điểm bất hợp lý, lạc hậu trong các quy chế, quy định đã ban hành, để bổ sung hoàn thiện, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được thống nhất, tạo cơ sở phòng, chống xa rời nguyên tắc. Theo đó, việc xây dựng quy chế tổ chức và quản lý sinh hoạt tư tưởng, quy trình chuẩn bị, thảo luận, thông qua nghị quyết của các cấp uỷ đảng; việc cụ thể hoá rõ ràng các quy định về công tác cán bộ; việc quy định một cách cụ thể trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền; quy định về việc xem xét kết luận lại các ý kiến khiếu tố, khiếu nại, các ý kiến bảo lưu, v.v. là những vấn đề rất quan trọng trong quá trình cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và thực thi của nguyên tắc.
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tập 36, tr. 186 – 187.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 229.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn cốt trong công tác xây dựng Đảng, là yêu cầu để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Để xứng đáng là người đảng viên của đảng, mỗi cá nhân hãy tự gột rửa những hủ hóa, những mặt chưa tốt như công việc rửa mặt hằng ngày. Có như vậy Đảng ta,và mỗi cán bộ, đảng viên mới xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ tận tụy của nhân dân.
Dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dân chủ vừa là bản chất, vừa là động lực, mục tiêu của xã hội mới mà Đảng ta lãnh đạo nhân dân xây dựng nên. trong Đảng phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. Biểu hiện của tập trung là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên… Tập trung trên cơ sở phát huy dân chủ chứ không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền./.
Tập trung dân chủ vấn đề có tính nguyên tắc, bất di bất dịch để bảo đảm cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo điều kiện cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế – xã hội đất nước.