Sự nhìn nhận phiến diện, lệch lạc về cán bộ và công tác cán bộ của Phạm Trần
Trước thông tin, đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” sẽ được trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 3/2018 và trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (vào đầu tháng 5/2018). Lợi dụng vấn đề này, Phạm Trần tung lên trang mạng “baotiengdan” bài viết với tựa đề: “Càng xây càng vỡ” với mục đích phủ nhận công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.
Dựa vào những hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII của Đảng đã chỉ ra, Phạm Trần xuyên tạc rằng: “Công tác cán bộ vẫn là khúc xương khó nuốt của Đảng Cộng sản Việt Nam”; cải cách hành chính “thực tế chỉ để hành dân” và “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là “Kế hoạch “Xây dựng Đảng” không có lối thoát”; “không Tổng Bí thư nào có khả năng thay đổi” v.v… Những luận điệu này không chỉ thể hiện cái nhìn phiến diện của Phạm Trần mà còn biểu hiện bản chất chống đối của kẻ can tâm làm bồi bút, tay sai cho các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước.
Chúng ta đều biết, cán bộ có vai trò rất quan trọng. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định thành, bại của cách mạng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 3 Khóa VIII và tới đây là Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII về công tác cán bộ, là đòi hỏi khách quan, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Cũng như bất kỳ mọi hoạt động nào khác, công tác cán bộ, bên cạnh những ưu điểm cũng có cả những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, Phạm Trần đã cố tình khoét sâu, thổi phồng, tuyệt đối hóa những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ và công tác cán bộ, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Không thể xuyên tạc, phủ nhận những ưu điểm của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, như Đảng đã chỉ rõ: đội ngũ cán bộ được rèn luyện thử thách trong thực tiễn, đại bộ phận có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo; phần đông cán bộ được đào tạo cơ bản cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và kiến thức khoa học, được nâng cao về trình độ nhận thức, trình độ quản lý và khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống, cơ bản cán bộ giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh.
Công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới về nội dung và cách làm đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, từ quy hoạch, đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ và thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; giữ vững quan điểm, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; triển khai tương đối tốt các khâu trong quy trình đánh giá cán bộ và công tác chính sách cán bộ cũng đã có những đổi mới quan trọng.
Những thành tựu trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng, an ninh của đất nước được giữ vững, tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao… Đó là minh chứng rõ nhất về những ưu điểm của cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.
Chúng ta không dấu diếm, bao che những những hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời khách quan nhìn nhận đúng nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm. Trước hết, là do bản thân một số cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện và công tác cán bộ còn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập. Nhưng nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ và công tác cán bộ cũng không hề nhỏ. Đó là, sự tác động mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của chiến lược “diễn biến hòa bình”… Trong điều kiện như vậy, những hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng, công tác cán bộ nói chung là khó tránh khỏi.
Đến đây, có lẽ chúng ta đã phần nào thấy rõ, những gì mà Phạm Trần dẫn ra về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng chứng tỏ sự nhìn nhận thiếu khách quan, phiến diện của Phạm Trần. Vậy, mục đích của việc làm đó là gì? Nếu là người có trách nhiệm với lợi ích của dân tộc và vận mệnh của đất nước sẽ có sự nhìn nhận, đánh giá khác, sẽ đưa ra những đề xuất phù hợp, góp phần thực hiện tốt hơn công tác cán bộ. Còn đối với Phạm Trần, có lẽ không có gì khác hơn chính là sự “tuyệt đối hóa”, thổi phồng những khuyết điểm, hạn chế nhằm bôi nhọ, nói xấu, phủ nhận chủ trương, đường lối, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; gây sự hoài nghi, dao động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân,… hòng thực hiện mưu đồ đen tối là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.
Cái nhìn lệch lạc của Phạm Trần cần phải bị đấu tranh lên án mạnh mẽ./.
Cán bộ là gốc của công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ đương nhiên là cần thiết. Đất nước ta được như hôm nay, không thể quên được sự hy sinh của lớp lớp các thế hệ cán bộ cách mạng do Đảng ta giáo dục, xây dựng. Do đó, chúng ta không chấp nhận sự nhìn nhận phiến diện, lệch lạc về cán bộ và công tác cán bộ của Phạm Trần.
Phạm Trần không thể phủ nhận, bôi nhọ công tác cán bộ của Đảng!