TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG ĐIỀU KIỆN ĐẢNG CẦM QUYỀN (Kỳ I)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng là một nội dung quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Người. Đại hội IV của Đảng đã khẳng định: “Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ nay mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta”. Trong Di chúc, Người căn dặn: Trước hết nói về Đảng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến công tác xây dựng Đảng nói chung và đổi mới, chỉnh đốn đảng, nhất là trong điều kiện Đảng ta trở thành đảng cầm quyền nói riêng. Đây cũng là trăn trở mà Người đã dành thời gian, công sức trong suốt nhiều năm. Theo đó, sự cần thiết phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền xuất phát từ những lý do sau:
Một là, từ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền
Bước vào giai đoạn mới, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cũng có sự phát triển mới. Do đó, Đảng phải không ngừng đổi mới, chỉnh đốn để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Mặt khác, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì những căn bệnh của của Đảng cầm quyền cũng sẽ xuất hiện. Do đó, Người luôn quan tâm, nhắc nhở: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp. Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch”. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, một mặt khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Hai là, từ thực tiễn tình hình cách mạng trên thế giới, khu vực và trong nước luôn vận động, biến đổi
Theo Hồ Chí Minh, từ một giai đoạn này đến một giai đoạn khác sẽ có nhiều sự biến đổi. Mỗi khi đứng trước nhiệm vụ cách mạng mới và phức tạp, nếu Đảng không đổi mới, không chỉnh đốn sẽ không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Theo Người “Tình hình thế giới và trong nước đã biến đổi đòi hỏi chúng ta phải có những đường lối, phương châm, phương pháp đấu tranh cho thích hợp; kẻ thù của chúng ta rất xảo quyệt, cán bộ và nhân dân còn có nhiều điểm chưa thật thông suốt… Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa”. Theo đó, đổi mới, chỉnh đốn lại Đảng là để nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo của Đảng lên tầm cao mới, tức là “nâng cao mình lên nữa” cho ngang tầm, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, nhất là khi cách mạng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
Ba là, từ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng và thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên sẽ chịu nhiều tác động từ môi trường mới với nhiều cám dỗ, cạm bẫy, nếu không tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện sẽ dễ bị sa ngã… Người chỉ rõ, Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Trên bình diện phát triển cá nhân, xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng phải trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.
Bốn là, từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch phản động cơ hội, xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin
Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa xã hội khoa học đã bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội xét lại chống phá quyết liệt. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, các thế lực thù địch, phản động càng đẩy mạnh chống phá. Vì vậy, Đảng phải luôn đổi mới, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật sự cách mạng, thật sự trong sạch, là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành, tận tụy của nhân dân nhằm tạo sức đề kháng để chống lại những âm mưu, thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Đảng ta”. Song Người cũng nhắc nhở, “hễ còn chủ nghĩa đế quốc thì nguy cơ chiến tranh vẫn còn. Cho nên chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng, quyết không được chủ quan khinh địch”.
Năm là, kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên thế giới
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận và gắn liền với cách mạng thế giới. Vì vậy, Đảng phải liên hệ, gắn bó mật thiết và không ngừng phát triển sát với thực tiễn của tình hình trong nước và thế giới. Do vậy, Đảng phải luôn tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng đáp ứng với sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới, nhất là những giai đoạn có tính bước ngoặt. Hồ Chí Minh viết: “Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày này”.
Pingback:TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG ĐIỀU KIỆN ĐẢNG CẦM QUYỀN (Kỳ I) |