LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC LỊCH SỬ CỦA PHAN NHẬT NAM
Xuyên tạc lịch sử “lật sử” là một trong những âm mưu, thủ đoạn chống phá thường xuyên của các thế lực thù địch. Trên trang Thongluan-rdp.com, Phan Nhật Nam đăng bài “Lịch sử tháng Tám, tháng Chín năm 1945 phải được viết lại”. Đọc nội dung bài viết cho thấy rõ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, mục đích kích động, chống phá của Y. Bởi vì, thực tế lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái đó:
Thứ nhất, ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và dự báo “ba cơ hội tốt” sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi.
Trên cơ sở dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân, từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng như: Thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân; ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây, Người đã có Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa).
Ngay sau khi Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 15/8/1945), Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào – Tuyên Quang đã quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phátxít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam…; ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội; ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai và Bạc Liêu; ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Nhân dân ta từ đây trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới thành công. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử này chính là minh chứng cho lời thề độc lập năm 1945 và khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công với những nguyên nhân thắng lợi đã được tổng kết, được toàn Đảng, toàn dân ta, cũng như các nhà sử học và các nước trên thế giới ghi nhận, như: Năm 2021, tờ báo uy tín tại Algeria La Patrie News (Tin Tổ quốc) và Francophonie Actualités (Thời sự Pháp ngữ) đã đăng tải bài viết đánh giá cao Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam: “Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đi theo đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng cộng sản và với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo nên một chiến thắng vĩ đại và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhà báo nổi tiếng Jorge Tuero (Argentina) đã khái quát: “Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là minh chứng của việc đưa ra sách lược đúng đắn, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh”; Nhà sử học nổi tiếng người Pháp S.Phuốc-ni-ô (Charles Fournieau) cho rằng: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc; là cuộc cách mạng lớn, của toàn dân tộc Việt Nam, đứng lên giành độc lập dân tộc”.
Như vậy, với những minh chứng trên thì những điều mà Phan Nhật Nam cho rằng “Lịch sử tháng Tám, tháng Chín năm 1945 phải được viết lại” là hoàn toàn phản động và sai trái, không có cơ sở lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ mưu đồ “lật sử” và động cơ sâu xa của Y là nhằm hạ thấp ý nghĩa lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công lao to lớn của toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; gây nghi ngờ, hướng lái người đọc hiểu sai về lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta, từ đó kích động, lôi kéo các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như công cuộc đổi mới của đất nước.
Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc, thấy rõ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và kiên quyết vạch trần, đấu tranh bác bỏ những chiêu trò chống phá, luận điệu xuyên tạc lịch sử dân tộc./.